Rút trọng lượng, ăn gian chất lượng
Năm 2016, trong đợt thanh, kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vàng và mỹ nghệ, Bộ KH&CN phát hiện 432 cơ sở (25%) có vi phạm. Mức sai số hàm lượng vàng cho phép là 0,1%-0,3%. Nhưng thực tế mức sai số hiện nay thường là 1%-3%. Sai số càng cao thì chất lượng càng thấp.
Thực trạng ở những cửa hàng vàng không đúng chuẩn, tỉ trọng vàng là thứ dễ bị gian lận nhất. Ví dụ, thay vì tỉ trọng vàng là 99% thì khi kiểm định, chỉ còn khoảng 97% hoặc thấp hơn. Đối với mặt hàng vàng trang sức, sai số thậm chí có thể lên đến cả 10%.
KS Phùng Quang Thành, Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cho biết, thị trường vàng hiện nay, tình trạng gian lận chất lượng đang là một vấn nạn. Chất lượng mỗi nơi một khác.
Thị trường vàng đang bị thả nổi. Nếu người dân mua vàng ở những hiệu vàng không có giấy chứng nhận kinh doanh vàng của NHNN rất dễ rủi ro. Và không thể kiện hoặc đòi lại được số tiền đã mất do mua vàng kém chất lượng.
Đáng buồn là bằng mắt thường thì không thể phát hiện được chất lượng vàng có đúng chuẩn không. Khối lượng vàng đã chính xác hay chưa. Phải sử dụng các biện pháp kiểm định mới đọc được chính xác chất lượng vàng. Đó là kẽ hở để cho một số cửa hàng vàng lợi dụng để trục lợi người tiêu dùng.
Để tránh tình trạng mua phải vàng kém chất lượng, gian dối về trọng lượng, KS Phùng Quang Thành cho biết, tốt nhất là chỉ chọn mua ở các cửa hàng vàng được cấp phép kinh doanh. Chỉ mua các sản phẩm vàng được Nhà nước đảm bảo như vàng SJC, vàng Thăng Long…
Việc mua ở những cửa hàng không có giấy phép kinh doanh của Nhà nước sẽ khó có cơ sở pháp lý để khởi kiện, đòi lại quyền lợi nếu phát hiện ra sai phạm sau khi mua.
Đo tỉ trọng đối chứng
Theo KS Phùng Quang Thành, có thể đối chứng giữa tỉ trọng vàng và nước bằng sử dụng cân tiểu li. Các cửa hàng vàng đều có cân tiểu li. Người mua có thể sử dụng để cân đối chứng với nước, dựa trên tỉ trọng của nước và tỉ trọng của vàng.
Một số cửa hàng có trang bị cân tiểu li có gắn bộ phận đo tỉ trọng khoáng vật. Các chiêu để rút ruột vàng ta là tạo ra vàng “hai da” và vàng bọng. Cụ thể, vàng “hai da” được thợ kim hoàn tạo hai lớp: lớp bên ngoài là vàng có độ tuổi cao, lớp bên trong có độ tuổi thấp. Vàng “bọng” (vàng rỗng ruột) sẽ được bơm chì, bạc, thau vào để nâng trọng lượng.
Đặc biệt, hiện tượng gian lận tuổi vàng xảy ra nhiều nhất ở vàng Tây. Dựa vào quy trình chế tác, nhiều thợ kim hoàn đã rút nguyên liệu vàng khi pha chế.
KS Phùng Quang Thành cho biết, người tiêu dùng có thể sử dụng các biện pháp như dùng kính lúp soi vàng. Vàng thật, đủ độ già sẽ có bề mặt mịn, không có các chấm nhỏ li ti, không lồi lõm. Kiểm tra ở các vết khắc, vết chạm trổ. Nếu vết khắc vẫn có màu đẹp, các cạnh của vàng không bị đổi màu, đó chính là vàng thật.
Nếu ở các vết khắc, chạm có màu xanh lá cây hoặc xanh đen thì đó chính là vàng độn. Hoặc có thể dùng nam châm để thử vàng. Vàng thật sẽ không bị nam châm hút. Nếu bị hút thì đó chính là vàng có pha sắt, hoặc vàng giả. Chà vàng lên bề mặt gốm. Nếu có vệt vàng có nghĩa là vàng thật, vệt đen là vàng giả.
Bảo Khánh