Tránh để xe hỏng do lâu ngày không dùng

(khoahocdoisong.vn) - Thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, các loại xe máy ít khi được sử dụng đến, cần được bảo dưỡng đúng cách để tránh hỏng hóc.

Bảo dưỡng khi xe “nghỉ”

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội nhằm phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, thời gian gần đây, người dân đã hạn chế ra ngoài. Mật độ phương tiện tham gia giao thông trong đó chủ yếu là xe máy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã giảm mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các loại xe máy, xe tay ga... vốn là phương tiện đi lại hằng ngày của người dân Việt Nam, nay đã ít được sử dụng. Xe máy nói riêng cũng như các thiết bị, linh kiện điện tử nói chung, nếu không sử dụng trong một thời gian dài có thể bị hỏng nhanh hơn là được sử dụng, vận hành thường xuyên, đúng cách. Bởi vậy, trong thời gian này, xe máy, xe tay ga cần được bảo quản để tránh những hư hỏng không đáng có.

Theo TS Nguyễn Văn Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, một động cơ để ở thời gian tĩnh vẫn cứ hỏng, thậm chí tốc độ hỏng còn nhanh hơn động cơ được sử dụng bình thường. Nhất là điều kiện khí hậu của Việt Nam, nóng ẩm, mưa nhiều, xe để càng lâu trong trạng thái tĩnh thì càng nhanh hỏng. Giống như một chiếc ắc quy. Nếu không nạp điện và xả điện thì tự nhiên nó sẽ chết. Động cơ xe cũng tương tự như vậy. Với xe gắn máy thì tốt nhất là nên vận hành đúng cách để đảm bảo tuổi thọ của xe. Trường hợp để lâu không sử dụng thì cần bảo dưỡng, bảo trì đúng cách.

Trước khi cất giữ xe bạn phải đưa ra các tiệm sửa xe uy tín để rửa xe, làm sạch bùn đất bám ở lốp, khung, vành xe, gầm máy… Nếu xe để lâu ngày đến vài tháng thì nên xả hết sạch xăng trong bình chứa, vòi dẫn và cả hệ thống bơm phun vì để lâu có thể khiến xăng bị biến chất hoặc lắng đọng gây tắc nghẽn. Sau kỳ nghỉ, nên đem xe đi bảo dưỡng, tra dầu mỡ cũng như kiểm tra các chi tiết chắc chắn trước khi vận hành. 

Thay dầu, kiểm tra phanh, ắc quy…

TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, xe máy số, xe tay ga sau một thời gian sử dụng sẽ khiến dầu nhớt động cơ, hộp số hay nước làm mát hao hụt và giảm dần chất lượng so với ban đầu. Khi tiếp tục để lâu ngày không sử dụng đến có thể khiến lượng dầu nhớt động cơ, hộp số hay nước làm mát còn lại đóng cặn, tạo màng... làm ảnh hưởng hoạt động của động cơ. Các chi tiết khác như lốp xe cần được bơm căng, hệ thống phanh cần được tra dầu… Việc  kiểm tra, bảo dưỡng, xử lý cặn bám trước khi vận hành trở lại là điều cần làm.

Kiểm tra và bảo dưỡng ắc quy tránh tình trạng để lâu ngày làm ắc quy bị hỏng. Nếu xe của bạn sử dụng ắc quy dạng nước thì cần đổ hết nước axit ra và làm khô để bảo quản các tấm chì phía trong, nếu là ắc quy khô thì không cần làm bước này. Vệ sinh, thổi sạch bụi hệ thống dẫn động bao gồm côn xe, dây cu-roa… Sau khi rửa sạch, xì khô toàn bộ xe, thợ sửa xe cần sẽ tiến hành “ủ dầu” lên toàn bộ xe đặc biệt là các chi tiết kim loại để tránh gỉ sét và ăn mòn… Với xe máy số thì cũng cần xả sạch xăng, rửa chế hòa khí, làm sạch và tra dầu mỡ vào xích, ủ dầu các chi tiết kim loại…

Nếu trước lúc bảo quản bạn không xả sạch xăng thì lúc này cần thay lại toàn bộ xăng, vệ sinh hệ thống bơm, kim phun. Thay dầu máy mới, kiểm tra nước làm mát, dầu láp để bổ sung hoặc thay thế nếu cần. Làm sạch bugi, lọc gió, bảo dưỡng lại bộ phận côn, kiểm tra dây curoa, kiểm tra lốp. Châm nước ắc quy nếu trước đó đã loại bỏ hết nước, sạc bù nếu ắc quy không đủ điện. Bạn cũng có thể yêu cầu người thợ kiểm tra má phanh, dây ga, dây phanh hoặc cổ phuộc (nếu bị cứng hoặc rơ) cũng như hệ thống dây dẫn điện toàn bộ xe để tránh trường hợp chuột cắn phá trong thời gian bảo quản.

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top