Sử dụng điện thoại thế nào cho an toàn không phải là điều ai cũng biết. Nhiều vụ tai nạn thương tâm do dùng điện thoại sai cách đã xảy ra.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ điện thoại trong đó phổ biến là thói quen dùng sạc điện thoại sai, sạc qua lâu, va đập mạnh. Pin chỉ có thể phát nổ do bị lỗi như bị thủng về cấu trúc, điện thoại bị rơi, va đập quá mạnh hoặc do quá nhiệt. Nhiệt độ tăng lên quá cao trong thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng ngắn mạch xảy đi xảy lại bên trong viên pin, từ đó phá hủy cấu trúc của viên pin.
Không chỉ có pin mà các vi xử lý trong smartphone cũng chính là một nguồn nhiệt. Mặc dù các bộ vi xử lý này thường không nằm gần pin nhưng nó lại góp phần tạo ra nhiều nhiệt hơn bên trong máy, từ đó khiến cho nhiệt lượng từ viên pin tỏa ra khó thoát ra hơn. Hiện nay số người sử dụng điện thoại thông minh khá đông, nhưng không nhiều người để ý đến những nguyên tắc an toàn trong khâu sử dụng. Các lỗi như điện thoại va đập mạnh, sạc pin quá lâu, không đúng cách… là những lỗi rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Khuyến cáo đưa ra là khi điện thoại đã hoạt động lâu, sờ vào thấy nóng thì cần cho điện thoải nghỉ, chờ đến khi sờ vào điện thoại không còn thấy nóng nữa thì mới tiến hành sạc, sẽ hạn chế được tình trạng nóng quá mức khi đang sạc. Nên chú ý đến các loại bao điện thoại, nắp ốp lưng điện thoại quá dày và kín làm nhiệt khó thoát ra, cũng dễ dẫn đến cháy nổ. Không bạ đâu sạc đấy, đầu sạc không tương thích với nguồn sạc cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ. Thói quen sạc điện thoại trên giường, để điện thoại trên chăn, đệm, gối để sạc cũng cực kỳ nguy hiểm, vì lớp chăn đệm này khiến nhiệt độ của pin khó thoát ra, gây nóng và dẫn đến cháy nổ. Trong ô tô, nếu đóng kín cửa thì cũng không nên sạc điện thoại.
Phong Lâm