Điển hình là mô hình sản xuất của ông Lê Vạn Hải - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc.
Nhằm nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam nói chung và của Hà Tĩnh nói riêng, ông Lê Vạn Hải đã mạnh dạn đầu tư khai hoang đất đồi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Ứng dụng công nghệ 4.0 làm nông nghiệp sạch
Trước đó, năm 2017, ông Lê Vạn Hải nhận chuyển nhượng 25 ha diện tích đất đồi hoang hóa từ các hộ dân ở xã Thường Nga để xây dựng trang trại cây ăn quả theo hình thức đa cây, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sau gần 6 năm máy móc vận hành không ngừng nghỉ, vùng đất hoang năm nào giờ đã thành trại cây ăn quả ngút ngàn với hơn 9.000 cây cam, bưởi; 2.500 cây ổi; 1.200 trụ thanh long và hơn 1.000 cây ăn quả các loại khác, thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.
Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc - sửa lại dàn tưới tự động cho vườn cây ăn quả. |
Từ ngày mô hình trang trại trồng cây ăn quả công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc hoạt động, ông Hải đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động ở địa phương và vùng lân cận.
“Làm việc ở đây, tôi được tiếp xúc nền nông nghiệp hiện đại. Trồng cây ăn quả có nhiều công đoạn tỉ mỉ, chính xác cao, không tùy tiện như ngày xưa…", một lao động chia sẻ.
Để biến “vùng đất chết” thành mô hình trang trại trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, ông Hải chấp nhận mạo hiểm, đương đầu khó khăn, đi đến nhiều miền Tổ quốc để tìm hiểu thị trường, tìm tòi, nghiên cứu, từ chọn giống đến chăm sóc cây trồng. Ông hướng đến xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất, bảo quản, đóng gói để sản phẩm đến tay người tiêu dùng được kiểm soát về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...
Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc nuôi giun quế để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây ăn quả. |
Chia sẻ về mô hình trang trại của mình, ông Lê Vạn Hải cho hay, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chi phí ban đầu rất lớn. Bù lại, thời gian sử dụng hệ thống máy móc, tưới nhỏ giọt có thể lâu dài. Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên việc trồng cây ăn quả có nhiều thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế tốt.
Mô hình trang trại tiêu biểu
Hiện nay, trang trại của ông Hải hiện áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa trong nước, giúp giảm chi phí nhân công. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Công nhân sử dụng điện thoại hoặc máy tính để vận hành hệ thống tưới nước 2 lần/ngày. Ngay cả khi không có mặt ở trại cây, họ vẫn kiểm soát sự vận hành của hệ thống. Đến nay, hệ thống tưới thông minh phát huy hiệu quả rõ rệt. Cây trồng không thiếu nước, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài vào mùa hè.
Trang trại cây ăn quả hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc nhìn từ trên cao. |
Nhờ am hiểu sâu rộng, cùng sự điều hành hợp lý của ông Lê Vạn Hải, mô hình của Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc đã đi đầu trong phong trào trồng cây ăn quả quy mô lớn tại vùng trà sơn của huyện Can Lộc. Đặc biệt, đây là mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của địa phương, góp phần đưa xã Thường Nga giữ vững xã đạt chuẩn “Nông thôn mới” năm 2019.
Gần 14.000 gốc cây các loại như bưởi, cam, mít, ôi, thanh long… được chăm sóc theo công nghệ mới nhất, chuyển giao từ Israel. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - thông tin, Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc là mô hình kiểu mới đúng nghĩa, hội đủ tất cả yếu tố về nhân lực, nguồn lực, đón đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, điều mà rất ít hợp tác xã hiện nay làm được. Với chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, khoa học, Hợp tác xã sẽ phát triển bền vững…
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phúc đã được phân phối tại nhiều tỉnh, thành và hệ thống siêu thị trên toàn quốc. |
Những nhân tố “đi đầu, bước trước” trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp như ông Lê Vạn Hải đang từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay. Mục tiêu hướng tới không chỉ tạo ra nông sản sạch, mà còn giải phóng sức lao động, qua đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.