Tràn lan nội dung độc hại trên tính năng Watch, Reels của Facebook

Gần đây, dư luận xôn xao về nội dung độc hại, tin giả, gợi dục hay các thông tin “nhạy cảm” trên nền tảng TikTok…Nhưng nội dung trên Facebook cũng không hề kém cạnh, đặc biệt ở tính năng Watch (xem video) và Reels (video ngắn) của nền tảng này.

Tràn ngập nội dung xuyên tạc

Giống như TikTok, các nội dung video ngắn có trên Watch và Reels của nền tảng mạng xã hội Facebook cũng sử dụng thuật toán AI dựa trên xu hướng, thói quen tìm kiếm và xem của người dùng nhằm đề xuất nội dung mà họ quan tâm. Tuy nhiên, theo nhiều người dùng phản ánh, kể cả khi họ không quan tâm và chưa bao giờ tìm kiếm các từ khóa có nội dung xấu thì những video trên vẫn xuất hiện với tần suất dày đặc.

Cụ thể, trên tính năng Watch của Facebook luôn hiển thị các trang, tài khoản dạng kênh tin tức thời sự nóng về chính trị được cập nhật mỗi ngày. Các trang dạng này liên tục đưa các video với thông tin bình luận xúc phạm, xuyên tạc, đặt điều, nói xấu, đưa thông tin sai sự thật khiến người bị loạn thông tin và không phân biệt nổi đâu là thông tin thật.

Bên cạnh đó, các tài khoản review phim cũng hoạt động rầm rộ. Đặc điểm chung là những trang này là cắt hình ảnh của bộ phim thành các clip ngắn từ 10 đến 15 phút, sau đó tiến hành giới thiệu về bộ phim, ngang nhiên vi phạm bản quyền của các đơn vị đang sở hữu các sản phẩm này tại Việt Nam. Đáng chú ý, ở Watch còn xuất hiện các video truyền bá hoá văn hoá phẩm đồi truỵ, khi rất nhiều trang tài khoản tiến hành giới thiệu các phim người lớn đến từ nước ngoài.

Nhiều tài khoản xuyên tạc, cắt clip ngắn từ 10 đến 15 phút review phim vi phạm bản quyền

Nhiều tài khoản xuyên tạc, cắt clip ngắn từ 10 đến 15 phút review phim vi phạm bản quyền

Tính năng Reels cũng không kém cạnh, được thiết kế để cạnh tranh với TikTok nên tính năng này gần như buông thả việc kiểm soát nội dung nhằm thu hút người dùng. Khi mở Reels, người xem liên tục thấy xuất hiện các video ngắn quảng cáo các game đánh bạc một cách công khai. Đặc biệt là xuất hiện nhiều video dạng gợi dục, khoe toàn bộ cơ thể, đi kèm với đó là các link quảng cáo ứng dụng show hàng, game bài bạc, hay thuốc kích dục; hoặc các video ngắn với cảnh lột đồ, hay quan hệ tình dục từ các bộ phim người lớn… Các video này không phân biệt hay lọc độ tuổi người dùng như Youtube, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận.

Anh Nguyễn Đức Toàn (ngụ tại Đông Anh, Hà Nội) một Agency chuyên cung cấp nội dung và quảng cáo trên Facebook cho biết: “Rất khó để kiểm soát nội dung trên tính năng Watch và Reels của Facebook, bởi người làm nội dung muốn qua mặt các công cụ tự động thì có vô vàn cách thức, cũng rất đơn giản. Ví dụ, trên phần mô tả chỉ cần bỏ các câu chữ liên quan hay dùng thủ thuật ngắt câu bằng các ký tự đặc biệt như: Chế*t, ki.n.h h.oà.ng, kh*o.ả th.â.n, t.ai n.ạn... là có thể qua mặt máy quét. Đối với video thì dùng phần mềm che, xóa mờ ảnh hoặc dùng hình ảnh không có bản quyền, ảnh sạch ở đầu video sau đó tắt tiếng gốc và thay bằng lời thuyết minh là có thể qua mặt bộ quét được”.

Theo anh Toàn, việc sử dụng thông tin giật gân hay video người lớn thường dễ thu hút người xem khi họ vô tình lướt qua, chỉ cần người xem dừng lại vài giây là AI sẽ ghi lại Cookie và sau đó liên tục đề xuất các video khác cùng chủ đề. Do đó, để ngăn chặn những video này rất khó, cần sự đầu tư lớn về kỹ thuật và nhân sự.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Với tính chất xuyên quốc gia cùng lượng thông tin khổng lồ được đăng tải hàng ngày, việc kiểm soát nội dung trên các nền tảng này điều rất khó. Để xử lý vấn đề, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và trên hết là thiện chí của các công ty sở hữu Facebook, Youtube hay TikTok.

Chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 6/4 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết cơ quan chức năng phát hiện những hành vi vi phạm trong việc vận hành tính năng chia sẻ video ngắn Facebook Reels và cả YouTube Shorts.

Với Facebook Reels, các sai phạm phổ biến được cơ quan chức năng chỉ ra là sự xuất hiện của tin giả, thông tin xuyên tạc liên quan đến nội dung chính trị trên nền tảng. Trên Facebook Reels cũng đang tồn tại nhiều hình ảnh dung tục, phản cảm; nhiều quảng cáo game cờ bạc, các ứng dụng mại dâm, thuốc không rõ nguồn gốc cũng được ghi nhận.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ cũng phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Đồng thời, triển khai các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Lập, Đoàn Luật sư TP HCM, để ngăn chặn thông tin xấu, độc, mỗi người dân cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực. Đó là cách để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần truy nguồn gốc tài khoản vi phạm, phạt nặng tay những người đăng tải thông tin, hình ảnh, video… vi phạm nhằm tạo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 5, khoản 1 (điểm a, b, c, d, e), Nghị định 72/CP của Chính phủ quy định những hành vi bị cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và những thông tin trên mạng gồm: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Đời sống
back to top