Phố Hàng Cá có chiều dài khoảng 120 mét, kéo dài từ Hàng Đường đến Thuốc Bắc ở khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.
Nguồn gốc tên gọi phố Hàng Cá
Tên gọi phố Hàng Cá bắt nguồn từ việc xưa kia, phố nằm gần sông Tô Lịch, là nơi tập trung bán cá nên được gọi là trại Tiên Ngư (cá tươi). Khoảng năm 1889, sông Tô Lịch ở phố cổ bị lấp. Nghề bán cá trên phố cũng dần tàn lụi. Những người bán cá chuyển sang nơi khác hành nghề hoặc tìm kiếm việc làm khác.
Vào thời thuộc địa, người Pháp gọi phố là “rue de la Poissonnerie” (phố có các cửa hàng bán cá – Hàng Cá). Năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là Hàng Cá.
Thời kỳ 1920-1935, Hàng Cá cũng như một số phố nhỏ khác trong khu vực Cửa Đông không có vị trí buôn bán ở phố chính nên không có mấy nhà mở cửa hàng buôn bán hoặc sản xuất. Khi đó, Hàng Cá chỉ có một nhà sản xuất hương nén.
Nhà cửa ở trong phố này phần lớn là nhà của các gia đình công chức dùng để ở hoặc cho thuê. Người thuê cũng là giới viên chức đi làm ở các sở công tư, vợ ở nhà hay có sạp hàng nhỏ trong chợ Đồng Xuân.
Những năm 1938-1942, nhiều người buôn bán phát đạt, phất mạnh nhờ buôn bán tơ, sợi, đồng sắt... Vì vậy, giá nhà đất trong phố tăng vọt và thuộc về tay những thương gia hoặc quan lại nhiều tiền. Họ mua nhà cũ, bỏ tiền ra xây lại theo kiểu hiện đại để ở.
Ngày nay "Hàng Cá" chỉ còn là một cái tên. Có tìm mỏi mắt cũng không thể tìm thấy một con cá nào nữa. Trên phố có nhiều cửa hàng, nhưng không có mặt hàng nào đặc trưng để người Hà Nội nhớ đến khi nghe đến cái tên Hàng Cá.
Con phố đáng ghé thăm
Cũng như nhiều con phố khác ở phố cổ Hà Nội, Hàng Cá của thế kỷ 21 vừa mang sự nhộn nhịp, hối hả của đời sống hiện đại vừa mang nét thâm trầm cổ kính được lưu giữ từ hàng trăm năm trước.
Số 27 Hàng Cá còn có ngôi đình thôn Đồng Thuận cũ, cũng gọi là đình Hàng Cá. Thực chất đây chỉ là phần hậu cung, vì một phần đình đã bị hạ giải khi người Pháp mở rộng phố. Đình Đồng Thuận thờ Lý Tiến, một trong những anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên của nước ta.
Ở ngã tư Hàng Cá – Chả Cá có đền Đồng Thuận (số 11 Chả Cá), cũng là nơi thờ nhân vật lịch sử Lý Tiến. Theo sử cũ, Lý Tiến là một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6. Ông cầm quân đi đánh giặc Ân, bị trọng thương đã gắng gượng về tới quê nhà mới ngã xuống.
Với những người mê ẩm thực vỉa hè, Hàng Cá là con phố đáng để ghé thăm vì dọc phố có khá nhiều hàng quán với những món ăn hấp dẫn...