Trái phiếu doanh nghiệp: Đừng để người mua cầm trái đắng

(khoahocdoisong.vn) - Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, không vì thế mà người mua TPDN có thể hạn chế rủi ro.

Đẩy rủi ro về nhà đầu tư

Theo Báo cáo tổng quan thị trường TPDN do Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Retail Research), trong 8 tháng năm 2019, ước tính tổng lượng TPDN chào bán là 129.016 tỷ đồng, lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%.

Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm trái phiếu ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm. Lãi suất trái phiếu của các DN bất động sản (10,01%/năm); nhóm phát triển hạ tầng (9,79%/năm); nhóm định chế tài chính (8,64%/năm). Lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm được xem là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư đến với TPDN.

Theo các chuyên gia, thị trường TPDN cần được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trực tiếp huy động vốn nhàn rỗi, thay vì chỉ dựa vào nguồn tín dụng. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng uy tín để đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành, cũng như các cơ sở pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư khiến việc đầu tư vào TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Mặt khác, rủi ro TPDN còn nằm ở tính thanh khoản. Thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của TPDN tại Việt Nam chưa phát triển do đó gia tăng rủi ro của nhà đầu tư. Vì vậy, khi mua TPDN, ngoài việc quan tâm đến năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư cần tìm hiểu chi tiết về kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch trả nợ trong cáo bạch của các đợt phát hành, xem trái phiếu có tài sản đảm bảo hay có tổ chức nào bảo lãnh có uy tín hay không...

Theo TS Nguyễn Minh Sáng, Đại học Ngân hàng TPHCM, việc phát triển thị trường trái phiếu cũng góp phần khơi thông dòng chảy vốn của nền kinh tế, giảm chi phí do bớt các khâu trung gian... Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh...

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trên thị trường hiện chỉ có một công ty định giá tín nhiệm và chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp muốn phát hành TPDN phải có xếp hạng tín nhiệm. Do đó, nhà đầu tư vì không thể biết sức khỏe của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đang lỗ hay lãi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Cần siết chặt tín nhiệm doanh nghiệp

Có một thực tế là sau khi NHNN có văn bản siết chặt việc phát hành TPDN, nhiều doanh nghiệp phát hành đã đưa thêm một số điều khoản, “cảnh báo” ghi trong các hợp đồng, thỏa thuận... với giải thích để tránh những rắc rối pháp lý. Tuy nhiên, thực tế các điều khoản khác được ghi trong thỏa thuận này cũng có mặt trái là đẩy rủi ro pháp lý về khách hàng khi có tranh chấp. Nếu khách hàng không đọc kỹ thì rất dễ hiểu nhầm.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, về tổng thể, lãi suất TPDN vẫn nằm trong mức tương đối an toàn, bởi xấp xỉ bằng với lãi suất vay ngân hàng. Nhưng nếu thiếu một cơ quan định mức tín nhiệm đủ uy tín, người mua trái phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó xác định mức lãi suất hợp lý của mỗi loại TPDN.

Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành chưa bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường phải có xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, nhằm phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tại dự án Luật chứng khoán sửa đổi đang trình Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định đối với phát hành TPDN ra công chúng, doanh nghiệp bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm.

Sau khi dự luật này được thông qua, dự báo sẽ xuất hiện các công ty xếp hạng tín nhiệm tham gia lĩnh vực này. Trong khi chờ có quy định rõ ràng, nhà đầu tư phải tự cân nhắc khi mua TPDN.

Theo Bộ Tài chính, quyết định số 507 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030 nêu rõ sẽ cấp phép tối đa cho 5 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước. Mục đích là để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho thị trường vốn, thị trường trái phiếu phát triển bền vững và bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

Trong khi chờ sự xuất hiện của các công ty xếp hạng tín nhiệm, để bảo vệ nhà đầu tư, Nghị định 163 quy định TPDN riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), nhằm cảnh báo nhà đầu tư phải cân nhắc thận trọng khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, chứ không chỉ quan tâm đến lãi suất.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), mặc dù tốc độ tăng trưởng tốt trong vài năm gần đây, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Thị trường TPDN còn khá mới ở Việt Nam nên vẫn tồn tại những rủi ro nhất định.

Trên thế giới, các thị trường thường có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nên có sự phân loại rất rõ ràng mức độ rủi ro cho từng loại trái phiếu của từng doanh nghiệp khác nhau, để phù hợp với khẩu vị rủi ro của các nhóm nhà đầu tư. Vì vậy, để thị trường TPDN minh bạch hơn, Việt Nam cần sớm có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Theo Đời sống
Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua gần 7,7 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân".
back to top