Theo dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản luôn chiếm ở mức khá cao 38 - 44% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Riêng nửa đầu năm nay, có tới 92.300 tỷ đồng tiền trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành, trong đó, chiếm phần lớn là những tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay. Gần một nửa trong số này đã được ngân hàng mua, còn lại hầu hết vẫn là các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, lượng phát hành này là quá lớn so với tình hình kinh tế hiện nay, nó sẽ tạo ra những rủi ro lớn cho thị trường bất động sản nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho nền kinh tế của cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và chưa có tín hiệu sáng để phục hồi, chưa kể, tình hình chính trị và thủ tục hành chính, luật đã khiến nhiều dự án bị nằm đắp chiếu, không thể triển khai.
Điều này khiến cho rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định về dòng tiền kinh doanh, chưa kể bị âm, thâm hụt vào vốn góp, nhưng lợi nhuận trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản lại rất khả quan. Thống kê 19 doanh nghiệp có đến 17 đơn vị báo cáo tăng trưởng lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, điều này đã tung hỏa mù khiến các nhà đầu tư tay mơ tưởng rằng thị trường này béo bở. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng hiện ở mặt bằng thấp và có thể còn duy trì ở mức thấp trong năm 2021 - 2022, thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8 - 10%/năm đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô mua bán, thay vì gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ nhìn vào lãi suất cao, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới. Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất và những cơ chế đặc thù giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, nhưng hiện nay có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100.000 doanh nghiệp. Vậy ai dám chắc rằng trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua?
Tất nhiên, không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro, tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng. Sân chơi này không dành cho những tay mơ.