TPHCM sẽ khai thác “đất vàng” dọc các tuyến metro thế nào?

Quỹ đất dọc các dự án metro tại TPHCM nếu được quy hoạch, tổ chức đấu giá theo thị trường sẽ thu được một nguồn vốn khá lớn để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Giữa năm 2020, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập tổ công tác rà soát, xác định ranh quỹ đất xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro trong bán kính từ 500 - 800m và đề xuất giải pháp quy hoạch, khai thác hiệu quả, tăng nguồn vốn cho ngân sách.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã rà soát xong và xác định có 10 đồ án thiết kế đô thị riêng xung quanh nhà ga dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương). Trong đó, có 4 đồ án đã chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện, 2 đồ án (ga Tao Đàn, Bảy Hiền) được chấp thuận danh mục nhưng chưa ghi vốn, 4 đồ án còn lại mới được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất UBND TPHCM giao UBND các quận có liên quan (nơi dự án đi qua) rà soát, nghiên cứu đưa nội dung nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất xung quanh tuyến metro số 2 vào thiết kế đô thị, đính kèm các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại khu vực.

Các khu vực liên quan đến tuyến metro khác như tuyến 3a, tuyến 3b, tuyến số 5 giai đoạn 1 có 6 đồ án đã được UBND TPHCM chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn.

Nhà dân ở gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình (TPHCM) giao đất để xây dựng tuyến metro số 2. Ảnh: Minh Quân
Nhà dân ở gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình (TPHCM) giao đất để xây dựng tuyến metro số 2. Ảnh: Minh Quân

Theo các chuyên gia, hiện TPHCM hàng năm bỏ ra một khối lượng tiền rất lớn để đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng khi được làm xong, giá đất tăng lên gấp nhiều lần mà nhà nước không thu được gì, chủ yếu đưa lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp bất động sản.

Nếu xác định được quỹ đất trên, TPHCM tổ chức đấu giá theo giá thị trường khi hạ tầng giao thông được đầu tư xong sẽ đem lại một nguồn thu lớn cho ngân sách để bù vào nguồn vốn đầu tư cho giao thông.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, hiện nay nhiều dự án cao ốc dọc tuyến metro số 1 đang hưởng lợi rất lớn, trong khi nhà nước không thu được gì khi đã bỏ ra hàng tỉ USD đầu tư dự án này.

Ông Sơn cho biết, việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường giao thông hay metro đã được các nước làm rất hiệu quả, điển hình như Singapore. Theo ông Sơn, trước khi làm một tuyến metro nào đó, thành phố cần rà soát lại quỹ đất công dọc các tuyến, từ đó có thể vạch ra kế hoạch khai thác một cách chi tiết.

Sau khi có quy hoạch, TPHCM có thể đầu tư rồi bán lại hoặc tổ chức đấu giá công khai các khu đất để nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch. Nguồn thu từ các khu đất đấu giá này nộp vào ngân sách hoặc ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông.

Tương tự, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc nghiên cứu giao thông vận tải Trường Đại học Việt Đức cho rằng, muốn phát triển metro một cách mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững thì TPHCM cần thay đổi cách quy hoạch và phát triển dự án.

Theo đó, quy hoạch metro phải đi kèm với quy hoạch phát triển đô thị. Lập quy hoạch đô thị dọc hành lang metro và bán đấu giá quỹ đất lấy tiền tạo nguồn quỹ xây dựng các tuyến metro mới.

“Nếu phát triển metro không đi kèm phát triển đô thị thì hàng chục năm nữa TPHCM cũng chỉ phát triển được vài tuyến metro” - ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo laodong.vn
back to top