TP HCM: 2 trẻ phải thở máy vì nghi ngộ độc Botulinum toxin

Sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế TP HCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin (nhập viện ngày 06/02/2024 và ngày 07/02/2024).

Nhiều thực phẩm có thể gây ngộ độc Botulinum toxin

Cả hai nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu. Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.

Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

Sở Y tế ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 02 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Bộ Y tế cho biết, vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, gặp môi trường bất lợi nó tạo lớp vỏ bọc (nha bào), khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng, thiếu không khí, các nha bào này phá vỡ vỏ bọc, sinh sôi, phát triển và sinh độc tố.

Clostridium botulinum thường sinh sôi trong thịt hộp hết hạn hoặc thịt hộp bảo quản không đúng quy định (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn ngộ độc thịt).

Các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy ngoài thịt hộp, tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, thịt, hải sản... được chế biến, sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo sẽ dẫn tới vi khuẩn sinh nha bào và sinh ngoại độc tố botulinum gây ngộ độc.

Do vậy, đối với những thực phẩm đã nhiễm vi sinh vật, nha bào, độc tố, tốt nhất là không nên tiếp tục sử dụng. Thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất.

Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm khác như rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín.

Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Đặc biệt khi xu hướng sử dụng túi hút khí (hút chân không) chứa đựng thực phẩm gia tăng, thói quen không đun chín kỹ thức ăn trước ăn.

Chế biến thực phẩm tươi sống để phòng tránh ngộ độc do botulinum - Ảnh minh hoạ

Chế biến thực phẩm tươi sống để phòng tránh ngộ độc do botulinum - Ảnh minh hoạ

Cách phòng chống ngộ độc

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;

2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

3. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

4. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

5. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top