Tổng lực xét nghiệm "quét" F0 ngoài cộng đồng: Hà Nội có ngăn được dịch Covid-19 bùng phát?

(khoahocdoisong.vn) - Trước đà lây lan của dịch bệnh ngoài cộng đồng, Hà Nội quyết định xét nghiệm diện rộng toàn thành phố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dịch còn dài nên ngoài việc xét nghiệm, Hà Nội cần đẩy nhanh hơn việc tiêm văcxin... và chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát rộng.

Giảm tốc độ lây lan chứ không thoát được dịch

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc Hà Nội quyết định xét nghiệm hơn 3 triệu mẫu tại các khu vực có nguy cơ cao để có biện pháp chống dịch kịp thời, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện nay mức độ nhiễm ở Hà Nội chưa cao, mỗi ngày trên dưới 100 ca, xét nghiệm diện rộng người có nguy cơ cao, tiếp xúc với nhiều người... để kịp thời cách ly là hợp lý trong giai đoạn này.

Sáng ngày 12/8, người dân phường Văn Chương có mặt từ rất sớm để làm xét nghiệm. Ảnh: Trần Hải.

Sáng ngày 12/8, người dân phường Văn Chương có mặt từ rất sớm để làm xét nghiệm. Ảnh: Trần Hải.

Bởi khi Hà Nội còn cơ sở cách ly, thu dung điều trị... việc phát hiện sớm sẽ cắt đường lây lan. Tuy nhiên, mức độ xét nghiệm này so với dân số Hà Nội mới chỉ đạt tỷ lệ 1/20 nên không thể bóc tách hết được nguy cơ lây nhiễm. Đó là chưa kể, việc tổ chức lấy mẫu nếu không tổ chức tốt để xảy ra tình trạng dân chen chúc, ùn ùn kéo vào điểm xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây nhiễm nơi đông người.

Hơn nữa, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cũng cảnh báo, việc dùng tets nhanh, test trộn rất dễ xảy ra sai sót. Tets nhanh cần phải lựa chọn loại kit đạt chuẩn có độ nhậy cao; Test gộp cần chú ý khi lấy mẫu, vận chuyển, xử lý, xét nghiệm với số lượng lớn rất dễ xảy ra sai sót khi trả kết quả và nguy hiểm nhất là nhầm mẫu, hoặc cho âm tính giả... Vì vậy, đây chỉ là một trong các biện pháp làm giảm tốc độ lây lan chứ không giúp thoát được dịch.

Người dân đứng xếp hàng đảm bảo đúng giãn cách. Ảnh: Trần Hải.

Người dân đứng xếp hàng đảm bảo đúng giãn cách. Ảnh: Trần Hải.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, xét nghiệm chỉ có tác dụng đánh giá tình hình dịch, đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Việc xét nghiệm diện rộng dù được triển khai cũng khó có thể "bóc" hết F0, vì có thể người dân âm tính ở thời điểm xét nghiệm nhưng sau đó lại dương tính.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội có thể xét nghiệm diện rộng để phát hiện và tổ chức khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ, vùng được chỉ định, các đối tượng nguy cơ, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng… không xét nghiệm tràn lan. Việc xét nghiệm này sẽ giúp Hà Nội đánh giá được nguy cơ dịch bệnh sau những ngày giãn cách, là yếu tố để tiến tới nới lỏng một cách hợp lý các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiều người già và em nhỏ được xét nghiệm trong đợt này. Ảnh: Trần Hải.

Nhiều người già và em nhỏ được xét nghiệm trong đợt này. Ảnh: Trần Hải.

BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cảnh báo, nếu sử dụng loại kit độ nhạy thấp, khả năng âm tính giả sẽ lớn. Và trong 2 triệu trường hợp làm test nhanh chỉ cần 1% có kết quả âm tính giả, nguy cơ vô cùng lớn đối với Hà Nội. Hơn nữa, Hà Nội cũng cần phải chuẩn bị để tránh vấp phải sai lầm như ở TPHCM. Khi TPHCM xét nghiệm ồ ạt, kết quả trả về với số lượng ca dương tính cao vượt mọi dự đoán khiến thành phố bị động, không kịp trở tay với những diễn biến tiếp theo.

Do đó, nếu số F0 tăng vọt sau khi sàng lọc 3 triệu người, Hà Nội cần có sự chuẩn bị chỗ cách ly, điều trị theo từng tầng, lường trước gánh nặng đối với hệ thống y tế để chủ động san sẻ sang tuyến quận, huyện.

Danh sách người dân xét nghiệm phải đảm bảo chính xác tuyệt đối. Ảnh: Trần Hải.

Danh sách người dân xét nghiệm phải đảm bảo chính xác tuyệt đối. Ảnh: Trần Hải.

Dịch còn dài, cần phải chuẩn bị kỹ

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, để kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ xét nghiệm, Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp gồm: Thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt để "cách ly" người nhiễm virus với người bình thường do vẫn còn ca bệnh trong cộng đồng. Nếu giãn cách nghiêm thì sau 14 ngày, các ca F0 (không có triệu chứng) lẩn khuất sẽ tự khỏi bệnh, không lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tạo ra được nhiều vùng xanh an toàn, kết hợp với thực hiện tốt "5K" thì chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng có thể bị cắt đứt, không lây lan diện rộng...

Test nhanh được lựa chọn là loại kit đạt chuẩn và có độ nhậy cao.Ảnh: Trần Hải

Test nhanh được lựa chọn là loại kit đạt chuẩn và có độ nhậy cao.Ảnh: Trần Hải

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, để thoát dịch trong thời gian cách ly này, Hà Nội vừa chống dịch vừa cần đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng. Chỉ có bao phủ văcxin chúng ta mới có thể sống chung với dịch bệnh trong tình hình mới. Do đó, tất cả các văcxin được phân bổ về Hà Nội cần phải được tiêm sớm, tiêm hết ngay. Bởi không phải tiêm xong là có miễn dịch ngay, phải tiêm đủ 2 mũi và sau 2 tuần mới có miễn dịch đầy đủ. Trước mắt, để giảm nguy cơ mắc bệnh và bệnh nặng nên ưu tiên tiêm cho đối tượng nguy hiểm như người có bệnh nền, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người béo phì... Địa điểm tiêm cần phải mở rộng, không chỉ bệnh viện mà cần lưu động để tránh đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Một bác trong tổ dân phòng của phường đang được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Trần Hải

Một bác trong tổ dân phòng của phường đang được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Trần Hải

Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ TPHCM, Hà Nội cần phải chặn nguồn lây và củng cố hệ thống điều trị. Về nguồn lây, triệu chứng bệnh Covid-19 hiện nay đã có thay đổi không chỉ có sốt, ho, khó thở, mất vị giác... mà với nhiều người, đặc biệt là người già đôi khi chỉ là mệt quá mức, lú lẫn, suy sụp, đi đứng không vững... Vì vậy, cần phải sớm phát hiện ngay những người bệnh có biểu hiện này để ngăn chặn.

Thỉnh thoảng các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm phải dùng cồn để khử khuẩn trên bộ quần áo bảo hộ. Ảnh: Trần Hải.

Thỉnh thoảng các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm phải dùng cồn để khử khuẩn trên bộ quần áo bảo hộ. Ảnh: Trần Hải.

“Hệ thống điều trị ở Hà Nội hiện nay rất yếu, năng lực kém hơn nhiều so với TPHCM, số giường đảm bảo điều trị cho bệnh nhân nặng rất ít... vì vậy, chúng ta cần phải củng cố hệ thống bệnh viện chuẩn bị kỹ để tránh bị động. Lúc dịch bùng phát, bệnh nhân không thể lên tuyến trên mà bệnh viện quận huyện, trung tâm y tế phải là pháo đài. Cơ sở vật chất cần được nâng cao, có hệ thống oxy. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng bệnh viện dã chiến... Đồng thời với đó là phải đào tạo cán bộ và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... để sẵn sàng cho trận chiến mới...” – ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nói.

Cán bộ y tế CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân phường Văn Chương sáng ngày 12/8.

Cán bộ y tế CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân phường Văn Chương sáng ngày 12/8.

"Để giảm tử vong do Covid-19 thì việc điều trị ở tuyến 2 (tuyến địa phương) là vô cùng quan trọng, nếu chữa tốt, bệnh nhân sẽ không chuyển nặng, còn nếu không thì đến tuyến 3 bệnh nặng quá cũng không cứu được" - ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Theo Đời sống
back to top