Tổ chức tiêm chủng văcxin: Thiếu hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu “khẩn cấp”

(khoahocdoisong.vn) - Cho đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 14 triệu liều văcxin từ nhiều nguồn, nhưng mới chỉ tiêm được gần 7 triệu liều, trong khi nhu cầu “bao phủ tiêm chủng” rất lớn. Nếu những khó khăn khi triển khai tiêm văcxin Covid-19 không sớm được khắc phục, quy trình tiêm chủng không được cải thiện, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tổn thất hơn trong cuộc chiến chống virus.

Khám sàng lọc và phân luồng hiện nay thiếu hợp lý

Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam dù sau “4 đợt tiêm chủng lịch sử ” như ở TPHCM vừa qua vẫn khá chậm. Trong đợt 5 (bắt đầu từ 22/7), TPHCM được giao 930.000 liều. Đến 28/7 có 389.417 liều được tiêm (tốc độ khá nhanh so với dự tính), nhưng trong đó, chỉ có 32.551 liều được tiêm cho các đối tượng có nguy cơ rất cao khi nhiễm Covid mà không được miễn dịch, là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.

Đến nay, chỉ có 3% dân số được tiêm và tại TPHCM - tâm dịch hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng là 10%. Bộ Y tế dự định đến cuối quý 1/2022 sẽ đạt “Miễn dịch cộng đồng”, tức 70% dân số (70 triệu người) được tiêm đủ 2 mũi. Nhẩm tính, muốn đạt được điều này, tốc độ tiêm của cả nước phải là 860.000 liều/ngày.

Với tình huống khẩn cấp này, không chỉ việc tập trung “dập dịch”, “cứu người” là khẩn cấp, việc tổ chức chích ngừa phải thay đổi cho đúng với yêu cầu khẩn cấp. Có trong tay hơn 14 triệu liều mà chỉ sử dụng đến 7 triệu liều cho thấy hạn chế của tốc độ chích ngừa so với yêu cầu, ngay trong những vùng “tâm dịch”. Điều này cho thấy cách khám sàng lọc và phân luồng hiện nay thiếu hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu “khẩn cấp”.

Các “chống chỉ định” hay chỉ định “dời lại” hiện nay, dù có sửa đổi vài lần, vẫn chưa ổn: Thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC (Mỹ), GAVI, EMA (châu Âu). Thậm chí có sự diễn dịch không chính xác “Thông tin kê toa” để biến một số điều “thận trọng” thành chống chỉ định tạm thời và vĩnh viễn. Tiêu chí “An toàn tiêm chủng”: Quá lo sợ các “tác dụng phụ” của văcxin và việc chích ngừa, trong khi bỏ qua một nguy cơ lớn hơn là lây nhiễm Covid-19.

Việc đo “sinh hiệu” đã phát sinh rất nhiều rối loạn lo âu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim do stress (tức là những “cao huyết áp giả”) làm cho việc tiêm chủng thêm mất thì giờ, gây phiền hà, tăng gánh nặng cho y bác sĩ một cách không cần thiết. Tại các nước tiên tiến không triển khai các khâu này.

Mặt khác, việc “dời lại” các đối tượng tiêm chủng, “để được chích trong môi trường bệnh viện” là một việc làm gây rắc rối: Con số 32.551 liều văcxin trên tổng số 389.417 tại TPHCM (tính đến ngày 28/7), trên các đối tượng “tuổi cao, bệnh nền” cho thấy khó khăn thực tế khi phải phân luồng đối tượng tiêm đến các cơ sở điều trị tuyến trên, với nguy cơ lây lan trong bệnh viện.

Sàng lọc kỹ có giúp giảm nguy cơ không?

Đến nay cũng chưa có cơ sở khoa học nào để chứng minh các đối tượng bị “cho về” trong buổi tiêm chủng để hẹn một dịp khác được chích ngừa “trong bệnh viện” lại an toàn hơn việc cứ để người ta chủng ngừa một cách bình thường ở nơi mà phương tiện cấp cứu sốc phản vệ (tỷ lệ 1/triệu ca) đã có sẵn. Còn các “tai biến” cấp tính liên quan với huyết áp như đột quỵ não, đột quỵ tim xảy ra tại các điểm tiêm chủng, không hề ghi nhận trong y văn.

Đối với “sốc phản vệ”, sàng lọc kỹ như vậy có giảm nguy cơ này không? Theo các trường hợp gộp chung là “phản vệ và giống phản vệ” tại TPHCM cao gấp 10 lần thống kê thế giới đối với chủng ngừa Covid-19. Có thật là “phản ứng phản vệ” không? Triệu chứng (chủ quan) “khó thở” được mặc nhiên xem là “sốc phản vệ độ 2 trở lên”. Nhưng đây là triệu chứng luôn có ở rối loạn lo âu hoặc cơn lo lắng quá mức - những vấn đề tâm thần, cảm xúc, nhưng không thật sự nguy hiểm về sinh học. Trong thực tế, khi bệnh nhân bất ổn, được tiêm ngay adrenaline, sinh hiệu chỉ đo khi đã ổn.

Có không ít những tình trạng “xỉu” (môi niêm nhợt, “khó thở”…) là do phản xạ phế vị ở những người nhạy cảm, lo âu, sợ hãi quá mức, khi đọc (mà không hiểu rõ) về văcxin, rồi bị ấn tượng với việc “khám sàng lọc”, trả lời bao nhiêu câu hỏi với gợi ý rằng việc chích ngừa Covid-19 “nguy hiểm quá”. Ngoài ra, từ lâu chúng ta biết rằng: Sốc phản vệ không có liên quan gì với các đối tượng bệnh nền, hoặc cao tuổi (trên 65 tuổi).

Hãy nhìn cách làm của các nước như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu...: Khâu “sàng lọc” được tự khai qua App, không nhắm đến các bệnh mạn tính, các dị ứng… mà chính là các câu hỏi sàng lọc khả năng lây nhiễm Covid-19. Tại các điểm tiêm ngừa (siêu thị, nhà thuốc, xe lưu động…). họ không lấy sinh hiệu (đo nhiệt, mạch, huyết áp…). Vì mong muốn cho các đối tượng được chích ngừa, các bác sĩ “khám sàng lọc tiêm chủng” tại Việt Nam đã tìm mọi cách để điều trị “cao huyết áp do lo âu” bằng cách cho nghỉ ngơi, uống thuốc... Việc làm này có thể đẩy nhân viên y tế và người dân vào việc tiếp xúc gần hơn, lâu hơn, do đó, tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Ở các nước trên thế giới, chích ngừa Covid-19 là việc làm khẩn cấp nên được giao phó chỉ định cho không chỉ các bác sĩ, mà cả dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… Bất cứ ai biết tiêm, biết làm theo hướng dẫn thì đều có thể và có quyền tiêm ngừa Covid-19 cho người dân. Tất cả vì mục tiêu tạo ra miễn dịch cộng đồng cho cả nước.

BSCKII Nguyễn Công Viên (Viện Tim TPHCM)

Theo BS CK2 Nguyễn Công Viên (Viện Tim TPHCM).
back to top