Tinh hoàn bên to bên nhỏ có sao không?

Khi thể tích 2 tinh hoàn chênh lệch nhau trên 20% hoặc khi tinh hoàn bị đau, nổi mẩn đỏ hoặc có khối u mới ở tinh hoàn, người bệnh nên nhanh chóng gặp bác sĩ để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Phân biệt rõ tinh hoàn bên to bên nhỏ là sinh lý hay bệnh lý

Tinh hoàn bên to bên nhỏ có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. Thực tế, một số bộ phận của cơ thể dù có tính đối xứng nhưng có thể có đôi chút khác biệt, không gây nguy hiểm. Tuy vậy, nếu sự chênh lệch giữa hai tinh hoàn quá lớn và có kèm những triệu chứng khác thường, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần được can thiệp sớm.

Tinh hoàn bên to bên nhỏ là tình trạng kích thước tinh hoàn hai bên không bằng nhau. Tình trạng này có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý. Kích thước hai bên tinh hoàn bị lệch thường gặp ở bé trai hơn là nam giới trưởng thành.

Đối với trường hợp nguyên nhân bệnh lý, căn nguyên thường là do tinh hoàn một bên phát triển ngoài bìu. Can thiệp phẫu thuật với những trường hợp này rất quan trọng. Do tinh hoàn nằm sai vị trí rất dễ bị tổn thương vì nhiệt độ bên trong cơ thể quá nóng. Điều này dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như vô sinh nam, thậm chí là ung thư tinh hoàn.

Trẻ bị tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ có nguy cơ bị mắc ung thư tinh hoàn cao gấp 2,5 lần, giảm khả năng có con lên tới 20% nếu không có biện pháp can thiệp sớm. Nguyên nhân là tinh trùng bị làm nóng trong cơ thể có khả năng bị suy giảm chất lượng hay đột biến gen.

Tinh hoàn bên to bên nhỏ có sao không? - Ảnh minh hoạ

Tinh hoàn bên to bên nhỏ có sao không? - Ảnh minh hoạ

Làm sao để nhận biết tinh hoàn bên to bên nhỏ?

Phái mạnh nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn mỗi tháng một lần. Biện pháp này sẽ giúp sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường (nếu có). Thời điểm lý tưởng cho việc kiểm tra là sau khi tắm. Bởi nước sẽ khiến phần da bìu trở nên mềm mại hơn. Qua đó, dấu hiệu khác thường (nếu có) cũng thể hiện rõ ràng, dễ dàng cảm nhận khi chạm bằng tay.

Nam giới thực hiện các bước dưới đây khi kiểm tra tinh hoàn:

- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng với hai chân dạng vừa.

- Dùng tay để kiểm tra xem bìu có xuất hiện vết sưng bất thường hay không.

- Chạm nhẹ nhàng để kiểm tra hai bên tinh hoàn.

- Cuộn tinh hoàn ở giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, sau đó cảm nhận bề mặt và xung quanh tinh hoàn.

Phái mạnh nên kiểm tra kỹ nếu tinh hoàn xuất hiện các triệu chứng bất thường như:

- Xung quanh hoặc trong tinh hoàn xuất hiện nốt u nhỏ, cứng hay sưng.

- Tinh hoàn quá mềm hoặc quá cứng.

- So với lần kiểm tra trước, tinh hoàn thay đổi kích thước nhanh.

- Bị sưng, nóng, đỏ, đau ở tinh hoàn, đặc biệt là khi chạm vào cảm giác đau tăng lên.

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh ở tinh hoàn - Ảnh minh họa

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh ở tinh hoàn - Ảnh minh họa

Cẩn thận biến chứng nguy hiểm khi tinh hoàn bên to bên nhỏ

Tinh hoàn bên to bên nhỏ nếu không có biện pháp can thiệp sớm có thể dẫn tới một số biến chứng như:

Xoắn tinh hoàn: Đây là biến chứng cấp tính. Khi đó, thừng tinh bị tắc nghẽn đột ngột do tinh hoàn tự xoay quanh trục, từ đó làm giảm hay tắc hoàn toàn lượng máu tới tinh hoàn.

Người bệnh đột ngột đau dữ dội một bên tinh hoàn, bìu sưng to đỏ hay tím. Cơn đau có thể tự hết nếu nam giới thay đổi tư thế, tinh hoàn được tháo xoắn. Tuy vậy, tình trạng xoắn nếu quá lâu có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn.

Thoát vị bẹn nghẹt: Những tạng hay ruột trong ổ bụng bị thoát vị vào ống bẹn không thể đẩy ra được, dẫn tới tình trạng thiếu máu nuôi, gây tổn thương.

Người bệnh sẽ bị đau nhiều, chướng bụng, nôn, khối vùng bìu sưng đau nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp can thiệp sớm, thoát vị bẹn nghẹt có thể gây hoại tử tạng thoát vị, tổn thương tinh hoàn và viêm phúc mạc.

Màng tinh hoàn bị tổn thương: Tinh hoàn bên to bên nhỏ có thể gây tràn dịch màng tinh hoàn, thậm chí làm tổn thương màng tinh. Do lúc này, tinh dịch, máu và những chất trong ổ bụng tích tụ, khiến tinh hoàn trở nên nặng nề và chảy xệ. Màng tinh cần căng giãn để chứa những chất dịch ứ đọng.

Suy giảm chất lượng tinh trùng: Tinh hoàn khi không được đưa về đúng vị trí sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng. Theo thời gian, tình trạng này ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nam giới. Điển hình là tình trạng này là tinh trùng ít và suy giảm chất lượng tinh trùng nghiêm trọng.

Ung thư tinh hoàn: Ung thư tinh hoàn là bệnh lý hiếm gặp ở nam giới. Tuy nhiên, trường hợp trẻ sơ sinh có tinh hoàn bên to bên nhỏ do nguyên nhân bệnh lý, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.

Do tinh hoàn trong ổ bụng không đảm bảo nhiệt độ cho sự phát triển, làm tinh hoàn teo dần, theo thời gian có thể chuyển thành ác tính.

Dấu hiệu tinh hoàn to nhỏ cần gặp bác sĩ:

Khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào dưới đây, nam giới nên nhanh chóng đi đến bệnh viện để kiểm tra:

- Đau nhói tinh hoàn hoặc đau xung quanh tinh hoàn.

- Tinh hoàn bị sưng.

- Phần da ở tinh hoàn chuyển màu đỏ, đỏ đậm hay nâu.

- Chảy dịch hoặc máu ở dương vật.

- Khó tiểu.

- Đau bụng dưới hoặc đau lưng.

- Mô vú bị sưng hay đau.

ThS.BS Phạm Quang Trung (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội)

Theo VietnamDaily
back to top