Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Thành Danh, Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 2, những năm gần đây, ngày càng nhiều trẻ mắc những rối loạn TIC được ghi nhận, đặc biệt bé trai ở độ tuổi đến trường.
Ngoài bất thường não di truyền hoặc rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh và một số yếu tố sinh học, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm và kéo dài cũng được cho là một trong những yếu tố có thể gây ra hội chứng này.
Quá trình điều trị rối loạn TIC thường kéo dài với liệu pháp tâm lý kết hợp sử dụng thuốc.
Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt…) và của cơ thể (mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy…), phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa.
BSCKII Nguyễn Thành Danh khuyến cáo, thời gian qua, học sinh chủ yếu học online, phải nhìn màn hình điện thoại hay máy tính trong thời gian dài, mắt sẽ có hiện tượng mỏi điều tiết, cận thị giả (cận thị do co quắp điều tiết).
Các biểu hiện gồm đỏ mắt, cảm giác cay mắt, khô rát, chảy nước mắt, chớp mắt, dụi mắt, đau nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, nhìn mờ khi thay đổi khoảng cách giữa xa và gần, đau đầu, mỏi vai gáy.
Việc mang tai nghe khi học liên tục, kéo dài với âm lượng lớn (từ trên 80 dB) sẽ khiến các tế bào thần kinh ốc tai phải làm việc quá sức gây giảm thính lực của trẻ.
Để việc học online đạt hiệu quả, các bậc cha mẹ nên hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop).
Bên cạnh đó, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.