Rất nhiều người mong mỏi sống thật thọ nhưng tiến sĩ David Goodall (Australia) thì khác. Bước sang tuổi 104, học giả nổi tiếng hàng đầu thế giới chỉ ước ao ra đi thanh thản. “Tôi cảm thấy hối hận vì đã sống đến tuổi này”, tiến sĩ Goodall trải lòng. “Tôi muốn kết thúc từ cách đây 20-30 năm”.
Theo ABC, tiến sĩ Goodall đã dành phần lớn cuộc đời để đấu tranh cho quyền chết êm ái ở Tây Australia. “Quyền công dân phải bao gồm quyền tự định đoạt cái chết”, ông khẳng định. “Khi bước qua tuổi trung niên, bạn đã trả hết món nợ cho xã hội và phải được toàn quyền sử dụng cuộc đời tùy ý. Nếu một người muốn chết, hãy để họ chết, không ai được can thiệp”.
Những năm gần đây, thể chất của tiến sĩ Goodall đi xuống nhanh chóng. Năm 90 tuổi, ông bỏ tennis do không còn đủ sức khỏe. Thị giác quá yếu gây cản trở việc lái xe ban đêm, tiến sĩ phải nói lời từ biệt nhóm biểu diễn nghiệp dư ở Perth từng gắn bó lâu dài. Công việc nghiên cứu cũng bị gián đoạn vì Goodall không thể đọc email. Hầu hết bạn bè của ông đều đã qua đời.
Vài tháng trước, Goodall bị ngã ở căn hộ riêng. Kêu cứu mà không ai nghe thấy, ông nằm trên sàn nhà suốt hai ngày cho tới khi người giúp việc tìm thấy. Từ đó, các bác sĩ yêu cầu Goodall không được sử dụng phương tiện công cộng hay tự băng qua đường. “Tôi vô cùng thất vọng”, tiến sĩ già bày tỏ.
Các báo cáo cho thấy ở Tây Australia, hơn 50% số ca tự tử là người trên 60 tuổi, hầu hết thuộc giới tính nam. Năm 2017, Victoria trở thành bang đầu tiên ở Australia công nhận quyền tự do chết nhưng tiến sĩ Goodall vẫn không đủ điều kiện vì không mắc bệnh mạn tính nào. Dù yếu ớt và gần như mù, sức khỏe ông vẫn tương đối tốt.
Nói đến cái chết, tiến sĩ Goodall không hề sợ hãi hay buồn rầu. “Sao nó lại khiến tôi buồn chứ”, ông nói. “Đó không phải điều tồi tệ mà là quy luật tự nhiên. Bạn sống vài thập kỷ rồi qua đời, chẳng có gì buồn cả. Buồn là khi bạn bị ngăn cản”.
Karen Goodall-Smith, con gái tiến sĩ Goodall là một nhà tâm lý học lâm sàng đã trao đổi thẳng thắn với cha mình về sự sống và cái chết. “Tôi thân thiết với bố nên không muốn điều đó”, bà trải lòng. “Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng sống phụ thuộc vào người khác làm mất đi phẩm giá, tự trọng. Các cánh cửa đã dần đóng lại với bố tôi. Ông bị mắc kẹt và mất quyền kiểm soát cuộc đời, cơ thể, thị lực. Bố đã sống tốt 104 năm qua. Những gì xảy ra kế tiếp, lựa chọn như thế nào phụ thuộc vào ông ấy”.
Hiện bà Karen cùng gia đình luân phiên chăm sóc tiến sĩ Goodall vì không muốn để ông vào nhà dưỡng lão. Kết thúc bữa tiệc, khi được hỏi sinh nhật có vui không, học giả trả lời ngắn gọn: “Không. Tôi không vui. Tôi muốn chết”.
Theo Minh Nguyên (VNExpress)