Tiền KTS chính thống đang rõ nét
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng trung ương được khảo sát đang có một số hoạt động liên quan tới tiền tệ kỹ thuật số (CBDC). Chúng có thể là nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm... Trong khi đó, gần 15% số ngân hàng được khảo sát đã đang nghiên cứu thực tế cho các đồng tiền thử nghiệm. BIS ước tính khoảng 20% dân số thế giới có thể tiếp cận CBDC trong vòng 3 năm tới.
Theo phân tích của BIS, xu hướng tập trung vào CBDC bắt nguồn từ việc người tiêu dùng đang ngày càng xa rời tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19. Thêm vào đó, tính tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả… là những yếu tố tiện ích được tính đến.
Theo khảo sát, phần lớn nghiên cứu về CBDC đã được đẩy nhanh sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bắt đầu dự án phát triển đồng tiền kỹ thuật số có tên là Libra (nay được gọi là Diem). Các ngân hàng trung ương nhận định diễn biến này có thể mang lại nhiều tác động tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính của quốc gia. Do vậy, nếu không thể cấm hoàn toàn, họ quyết định sẽ có những dự án tương tự Libra để giảm thiểu rủi ro.
Đồng NDT điện tử do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát hành và đã tiến hành thử nghiệm từ đầu tháng 5/2020. Ngày 12/10, NHTW châu Âu (ECB) cũng đã khởi động quá trình tham vấn ý kiến của người dân về đồng EUR kỹ thuật số và dự định thực hiện thử nghiệm sau 6 tháng. Động thái này nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu trong đó có Italia và Pháp. Tuy nhiên, nước Anh lại ưu tiên xây dựng đồng tiền KTS của riêng quốc gia hơn việc tham gia vào đồng tiền KTS của EU.
Trước đó, tháng 2/2020, NHTW Thụy Điển đã công bố khởi động dự án thử nghiệm kéo dài một năm cho tiền điện tử e-krona. NHTW Na Uy cũng đã thành lập các nhóm xem xét việc thiết kế một loại tiền KTS quốc gia. Nhiều quốc gia châu Á cũng đang nghiên cứu và khởi động thử nghiệm đồng tiền KTS. Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm 2021. NHTW Hàn Quốc đã khởi động một chương trình thử nghiệm để đánh giá tiền kỹ thuật số. Saudi Arabia đã và đang nghiên cứu tiềm năng của một loại tiền KTS gọi là “Aber” có thể được sử dụng trong các cuộc thanh toán tài chính giữa nước này với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... Đặc biệt, gần đây NHTW Trung Quốc, Thái Lan, UAE và Hồng Kông (Trung Quốc) đang cùng nhau triển khai dự án tiền điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, một số quốc gia khá thận trọng về tiền kỹ thuật số. NHTW Đức khuyến cáo EU nên kiềm chế việc tung ra đồng EUR KTS. Nga, Mỹ là những quốc gia chưa ủng hộ thử nghiệm và phát hành tiền KTS.
Như vậy, việc phát triển CBDC là xu thế, chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định về mặt công nghệ, pháp lý… để chính thức vận hành tại mỗi quốc gia cũng như xuyên biên giới.
Cảnh giác với tiền KTS không chính thống
Theo báo cáo mới về xu hướng tiền kỹ thuật số và Bitcoin, cùng những kiến nghị chính sách đối với Việt Nam do TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu vừa công bố, các loại tiền phi vật chất ra đời dưới các dạng thức khác nhau như tiền điện tử, tiền ảo và tiền KTS. Tiền KTS do NHTW phát hành (CBDC) có vai trò như tiền truyền thống, nhưng ở dạng số, được phát hành và quản lý bởi NHTW. Xu hướng CBDC đang rõ nét, còn xu hướng phát triển tiền KTS không chính thống như Bitcoin phụ thuộc vào những rủi ro liên quan.
Tính đến nay, trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của 4.195 loại tiền KTS khác nhau với tổng giá trị vốn hóa gần 1.400 tỷ USD; trong đó, giá trị vốn hóa của 5 đồng tiền KTS phổ biến nhất đạt gần 1.200 tỷ USD (chiếm gần 90% toàn thị trường) và riêng Bitcoin chiếm đến 67% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.
"Cơn sốt" đào Pi ở Việt Nam đang dấy lên những lo ngại về tiền kỹ thuật số không chính thống. |
Theo các chuyên gia, tiền KTS không chính thống như Bitcoin có nhiều rủi ro: chưa được coi là tiền tệ chính thống; mức độ biến động giá rất mạnh; chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin khá mơ hồ; rủi ro pháp lý; rủi ro kỹ thuật và mất tiền…
TS Cấn Văn Lực phân tích, trong một ngày Bitcoin có thể biến động đến 20-30%, đồng nghĩa rủi ro rất cao. Giá cả phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư và tình trạng đầu cơ thổi giá nên “bong bóng” tài sản này có thể nổ bất kỳ lúc nào. Vì vậy, chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin là khá mơ hồ.
Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện không chấp nhận tiền KTS không chính thống là tiền tệ, vì vậy việc dùng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Người dân và các nhà đầu tư cần xác định rõ mình muốn gì, mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu và hết sức thận trọng khi xem xét đầu tư loại tài sản ảo này.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết thêm, ngoài yếu tố “tài sản ảo”, một rủi ro khác rất dễ xảy ra là nhà đầu tư đổ vốn vào các kênh tiền KTS có thể quên địa chỉ bí mật của ví điện tử, bị hacker xâm nhập… và không thể lấy lại tiền.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Việt Nam cần theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của đồng tiền KTS để có thể xác định phương án xử lý và thái độ phù hợp. Đẩy mạnh chương trình phổ biến kiến thức về đồng tiền KTS; thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền KTS. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về bảo mật thông tin và an ninh mạng; bảo đảm sự ổn định hệ thống tài chính, kiểm soát phòng ngừa rủi ro...