Tiêm 2 mũi văcxin được trở lại cuộc sống "bình thường mới"?

Nhiều chuyên gia đang kiến nghị có hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi văcxin phòng Covid-19 thì "được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất...", nhưng nhiều ý kiến phản đối vì vẫn có nguy cơ lây nhiễm và lan ra cộng đồng.

Không thể chấm dứt hoàn toàn mầm bệnh trong cộng đồng

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, nhà chức trách cần sớm xây dựng cơ chế, hướng dẫn cụ thể để những người đã tiêm văcxin tham gia sản xuất, kinh doanh, trở lại cuộc sống "bình thường mới". Bởi người tiêm đủ hai mũi văcxin nếu bị nhiễm sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Người mới tiêm một mũi văcxin ít có nguy cơ bệnh nặng... Những người này trở lại cuộc sống "bình thường mới" cũng là cách để duy trì nguồn lực chống dịch và sống chung lâu dài với Covid-19...

tiem-2-mui-1.jpg
Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin.

Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) - Trưởng ban Điều phối Liên minh NCDs-VN, EBHPD, CSO-OHCCP nhấn mạnh, người tiêm đủ 2 mũi, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi có tiếp xúc ngoài xã hội, thì rất an toàn, còn lý do gì mà hạn chế không cho ra ngoài?

Phân tích khoa học về dịch tễ tại Hà Nội hiện nay, dịch đã bước sang giai đoạn “dịch nội sinh”, tức là giống như dịch cúm mùa, thì mục tiêu “bóc tách, cô lập, diệt hết mầm gây bệnh” là bất khả thi. Theo nghiên cứu khi khối cảm nhiễm toàn dân co nhỏ lại xuống còn dưới 30% thì dần tự lắng, ca bệnh chỉ là lẻ tẻ, như kiểu cúm mùa, rồi lại bùng phát trở lại khi có biến chủng mới xuất hiện. Tiêm văcxin càng sớm đạt miễn dịch cộng đồng, càng làm cho dịch lắng xuống nhanh hơn, nhưng cũng không thể chấm dứt hoàn toàn mầm bệnh trong cộng đồng. Chậm tiêm văcxin, cộng thêm càng phong tỏa chặt, thì dịch càng diễn biến kéo dài. Dài đến bao lâu? Dài cho đến khi đạt mức miễn dịch cộng đồng thì lắng xuống.

Trong phòng chống dịch, theo TS.BS Trần Tuấn, điều đáng quan tâm là là phải nhìn về tổn hại do dịch bệnh gây ra. Tựu chung có thể chia thành hai nhóm lớn. (1) Tổn hại do virus gây thành bệnh ở 5% dân chúng và (2) tổn hại do phương thức phòng chống dịch áp dụng (hoàn toàn do con người tự tạo ra cho mình).

Tổn hại do virus có thể ước lượng được tương đối chính xác, dựa trên chi phí xảy ra cố gắng cứu chữa ở 5% người nhiễm bị nặng cần can thiệp y tế.

Còn tổn hại do con người tự gây ra cho mình khi lựa chọn phương án chống dịch, thì rất khác nhau, phụ thuộc vào chính quyền địa phương cụ thể, mức độ phí tổn có thể từ mức “chấp nhận được” tới mức “vô cùng lớn, vô cùng phi lý, không thể nào chấp nhận được”. Chẳng hạn, biện pháp hành chính chống dịch như Hà Nội đang áp dụng, gồm xét nghiệm toàn dân, bóc tách F0, cách ly tập trung F0-F1, hạn chế đi lại toàn dân bằng thủ tục xét cấp giấy phép đi lại và yêu cầu xét nghiệm âm tính 3 ngày/lần, 7 ngày một lần, phong tỏa diện rộng, chậm triển khai hướng dẫn người dân tự chăm sóc tại nhà, đưa vào điều trị tập trung cả những trường hợp nhiễm không triệu chứng… đều là những tổn hại rất không đáng có. Càng áp dụng, phí tổn càng chồng chất. Những phí tổn đó nếu ước lượng được, cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Bởi còn vô số tổn hại nữa không thể tính được, là hậu quả của những quyết định hành chính trên xảy ra cho cộng đồng dân cư Hà Nội và cả cộng đồng có liên quan tới Hà Nội. Chẳng hạn, những tổn hại về sức khỏe tâm trí và bệnh tật thực thể xảy ra do tình trạng phong tỏa lâu dài…

tiem-2-mui-2(1).jpg

Củ Chi và quận 7 là hai nơi đầu tiên tại TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhờ quản lý chặt F0 từ khi phát hiện, cấp cứu kịp thời, tăng giường điều trị. Hai địa phương này vừa được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị chọn làm hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản "bình thường mới" cho TPHCM sau ngày 15/9. Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Trong khi đó, 6 tỉnh miền Tây gồm Long An, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau nới lỏng giãn cách xã hội khi hạ xuống Chỉ thị 15 ở các địa phương "vùng xanh" hoặc toàn tỉnh.

Có một số ý kiến cho rằng, tại một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên “nới lỏng” cho người đã tiêm đủ 2 mũi văcxin, hoặc đã nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để họ đi lại và làm việc trong điều kiện giãn cách, tuân thủ 5K.

Không phải tiêm đủ 2 mũi là hết miễn nhiễm

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, lợi ích thực sự của việc tiêm đủ 2 mũi văcxin ngừa Covid-1, đó chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, văcxin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong. Tuy nhiên, chuyện tiêm đủ hai mũi văcxin không liên quan đến chuyện ưu tiên ra đường. Bởi vì, người tiêm đủ 2 mũi văcxin thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, gây lây lan dịch. Chỉ khác một điều là người tiêm đủ 2 mũi văcxin nếu bị nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ hơn, nhanh khỏi hơn, ít nguy hiểm hơn cho cộng đồng. Chứ không phải tiêm đủ 2 mũi là miễn nhiễm. Vì thế, người dân tuyệt đối không nên chủ quan.

tiem-2-mui-3.jpg
Tỷ lệ tiêm vắc xin ở thủ đô còn thấp nên vẫn cần phải thực hiện chặt chẽ biện pháp khoanh vùng, cách ly.

TS.BS Phạm Quang Thái phân tích, việc được phép ra đường hay không phụ thuộc vào nguy cơ lây nhiễm của bản thân người đó và tính chất công việc của họ. Vì vậy, phải kiểm soát theo nguy cơ chứ không phải kiểm soát dựa vào tình trạng người đã được tiêm. Ví dụ: Ông A ở vùng xanh và đến vùng xanh khác thì không vấn đề gì. Nhưng khi ông A vào vùng đỏ thì tức là ông có nguy cơ, không thể nào ông A đi vào vùng đỏ rồi lại tung tăng đi tiếp, hoặc từ vùng đỏ đi ra vùng xanh được.

Vì vậy, văcxin được tiêm chỉ có ý nghĩa khi cả một vùng được tiêm. Chứ nếu vùng xanh đi vào vùng đỏ và ngược lại đang ở vùng đỏ đi vào vùng xanh gây lây nhiễm là không được. Ngay cả các nước trên thế giới khi áp dụng "hộ chiếu văcxin", thậm chí tại Mỹ tiêm xong không cần đeo khẩu trang nhưng cuối cùng đều thất bại, người tiêm xong vẫn có nguy cơ nếu không tuân thủ đúng khuyến cáo. Do đó, những người đã tiêm đủ mũi văcxin không nên chủ quan mà cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, tuân thủ 5K.

tiem-2-mui-4(1).jpg
Người dân đi chợ vẫn phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách.

Tính đến sáng 7/9, tổng số liều văcxin Covid-19 đã được tiêm là 22.012.123 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.673.340 liều, tiêm mũi 2 là 3.338.783 liều. Từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều văcxin Covid-19 (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm văcxin nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, tháng 9 dự kiến có hơn 20 triệu liều. 

Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 văcxin Covid-19 trước ngày 15/9.

Theo Đời sống
back to top