Làm quan trung chính
Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Mại (1655 - 1720), còn gọi là quan Thượng Nành, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương nay thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách.
Năm 1691, ở tuổi 36, Nguyễn Mại đỗ Hoàng Giáp. Dưới triều vua Lê Hy Tông, ông làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang; được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây cho đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công đời Lê Dụ Tông.
Nguyễn Mại làm quan nắm chặt chẽ luật lệ triều đình, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, xét xử phân minh, chăm lo đời sống nhân dân, là người trung chính.
Tuy nhiên, ông là người thẳng thắn, cương trực nên nhiều lần làm mất lòng chúa Trịnh Cương vì dám chỉ trích lối sống xa hoa, lộng quyền của chúa. Dù vậy chúa Trịnh vẫn có phần kiêng nể và trọng dụng ông vì biết ông có thực tài lại là người vô cùng can đảm.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết, trước kia, Mại giữ công việc ở lễ phiên. Một hôm khi đang bàn công việc ở phủ chúa, có con voi sổng chạy vào. Mọi người đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Mại tinh thần khí sắc không thay đổi, vẫn trình bày công việc như thường.
Về sau chúa Trịnh Cương quyết định bổ nhiệm Nguyễn Mại làm quan Đốc trấn Cao Bằng, rồi Phó Đô Ngự sử. Sau này ông được chuyển về trấn thủ Sơn Tây, việc này nhằm đối phó với nạn trộm cướp hoành hành tại đây.
Việc bổ nhiệm Nguyễn Mại từ Phó Đô Ngự sử về làm quan Tổng trấn được xem như là giáng chức. Nhưng từ đây, những huyền thoại xử án tài ba, xét đoán như thần của ông được lưu truyền trong dân gian và được xem là Bao Công đất Việt...
Xét xử tội ăn cắp vặt
Truyền rằng, một hôm, quan Đốc trấn có việc đi qua làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) chợt nghe thấy một người đàn bà đang lớn tiếng chửi vì mất buồng chuối.
Ông chợt nghĩ, lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt nên tệ nạn này mới có cơ hoành hành. Nghĩ đoạn, ông tiến đến hỏi người đàn bà và phát hiện vết chặt trên cây chuối còn mới.
Đoán biết là kẻ trộm chỉ ở quanh đây, ông liền gọi lý trưởng, ra lệnh tất cả người làng ra vét ao đình. Và trong khi mọi người đang hì hục làm, ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau và sai mọi người rửa tay thật sạch, lên sân đình nghỉ ăn trầu.
Trong số các bàn tay đưa ra nhận trầu, Nguyễn Mại nhận thấy tay một người dù đã rửa nhưng vẫn có vết bùn, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên đó là người ăn trộm chuối, bởi nhựa chuối dính trên tay, ngâm xuống bùn thì dính bẩn và không thể rửa sạch ngay được. Chỉ qua vài câu xét hỏi, người này phải cúi đầu nhận tội.
Lần khác, một lão nông ở huyện Tam Đái trình báo về việc con trâu bị kẻ gian cắt lưỡi sắp chết, xin được mổ. Vào thời đó, để bảo đảm sản xuất, dân không được tự tiện giết trâu. Nếu nhà ai có trâu què, trâu gầy yếu không cày bừa được thì phải trình báo lên huyện xin giết thịt, giết xong lại phải mang đầu trâu lên trình lần nữa để làm bằng. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Cũng chính vì luật ấy mà nếu xảy ra những chuyện xích mích, người ta thường hại nhau bằng cách lén lút giết trâu rồi đi trình báo quan.
Sau một hồi lục vấn, Nguyễn Mại nhận thấy đây là người nông dân thật thà chất phác, ông bảo lão cứ về mổ trâu đem bán, không cần báo lại quan huyện nữa.
Đúng như Nguyễn Mại lường đoán, ông lão vừa mổ xong thì tri huyện Tam Đái gửi ngay công văn kèm theo tờ đơn tố cáo của một người dân trong làng về tội “tùy ý giết trâu mà không trình báo”. Ngay lập tức, Nguyễn Mại sai lính bắt người tố cáo giải lên công đường.
Tên này sau một hồi chối quanh chối co đành khai nhận vì ghen ghét với ông lão nên lén giết trâu, sau đó thông đồng với tri huyện để "vừa ăn cướp vừa la làng", lại còn được lĩnh thưởng. Theo đó, tri huyện Tam Đái cũng phải chịu phạt... Những vụ án tưởng chừng như không có manh mối như vậy luôn được Nguyễn Mại điều tra, phá án theo cách không ai ngờ tới.
(còn nữa)