Thương mại Việt-Trung: Nghịch lý đáng ngại

(khoahocdoisong.vn) - Bất chấp những quan ngại về sự phụ thuộc, thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu những năm qua cho thấy mức độ gắn kết kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cụ thể là Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Gia tăng mức độ phụ thuộc

Năm 2016, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 72 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Tiếp tục duy trì vị trí số 1, năm 2017, kim ngạch song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong lịch sử quan hệ ngoại thương của Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD. Dấu mốc này được thiết lập vào năm 2018, với tổng quy mô kim ngạch thương mại của 2 nước đạt 106,706 tỷ USD, tăng 12,71 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỷ USD, tăng 5,864 tỷ USD, tăng trưởng 16,6%. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 65,438 tỷ USD tăng 6,846 tỷ USD, tăng gần 11,7%, chiếm đến 22,23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 116,866 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD (tăng thêm hơn 10 tỷ USD so với năm 2018). Thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2019, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng này tăng không đáng kể. Chính vì vậy, cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc bị thâm hụt rất lớn, lên tới hơn 34 tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9%. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020, tăng 2 bậc so với năm 2019. Việt Nam cũng đang là thị trường cung ứng hàng hóa lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc.

5 năm qua, thương mại hai nước láng giềng Việt - Trung đã trở nên gắn kết đến mức toàn bộ các phụ tùng, linh kiện điện tử, ô tô, dệt may, sắt thép, nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất... Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc đến 60-70%. Ngoài nguồn cung, phụ thuộc về công nghệ cũng là một khía cạnh sống còn đối với các doanh nghiệp Việt mà số liệu thương mại không phản ánh hết được. Theo tính toán của một số chuyên gia, 40 - 50% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Có cần hạn chế phụ thuộc?

Theo cách hiểu thông thường, khi các hiệp định thương mại càng nhiều, phụ thuộc vào Trung Quốc phải giảm. Nhưng với Việt Nam, sự phụ thuộc lại tăng lên. Đó là một nghịch lý đáng ngại. Tất nhiên, điều này khó tránh bởi vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu nói chung đã tăng một cách mạnh mẽ thời gian qua. Trung Quốc ngày nay đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng chung toàn cầu và là công xưởng của cả thế giới. Trung Quốc lại là nước láng giềng có ưu thế về địa lý, giảm chi phí vận tải, giá thành rẻ... Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia lớn trên thế giới cũng đang bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ngày nay, hầu hết các mặt hàng dệt may ở miền Bắc nước Ý - trung tâm thời trang châu Âu - đều được sản xuất ở miền trung Trung Quốc. Ngay cả các dòng xe thể thao đa dụng BMW mới nhất cũng được sản xuất ở Trung Quốc, dù kỹ thuật là của Đức. Trung Quốc đang ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vì tương lai lâu dài của Việt Nam và vì an ninh quốc phòng, không thể để nền kinh tế của mình phụ thuộc vào Trung Quốc như vậy. Phụ thuộc mãi như vậy thì Việt Nam vẫn chỉ ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và mỗi lần Trung Quốc có bất cứ một vấn đề gì, Việt Nam sẽ có thể gặp khó khăn lớn. Các ngành kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và rất cần phải tiến hành sớm, mạnh mẽ và một cách căn cơ để nhìn về trung hạn và dài hạn.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (nguyên Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách), sự gắn kết kinh tế với Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng cần có những thay đổi lớn để quan hệ kinh tế với Trung Quốc trở nên lành mạnh hơn.

Việt Nam trước mắt cần tập trung vào hai việc: có chỉ đạo đủ mạnh để điều phối quan hệ giữa các bộ ngành, ban hành được các chính sách nhất quán, loại bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA, tăng cường tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Việc thực hiện sớm và đầy đủ các tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa theo quy định sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung và loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng dựa trên các FTA chất lượng cao (như EVFTA và CPTPP) sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, việc ứng dụng kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về hiệu suất. Việc nâng cao tỷ lệ thương mại chính ngạch (thay vì tiểu ngạch) cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc giảm xuất khẩu hàng hóa kém chất lượng và không có tiêu chuẩn phù hợp, qua đó nâng cao giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và (có thể) góp phần giảm nhập siêu.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần xác định các nhà cung cấp thay thế ở các khu vực không bị ảnh hưởng trên thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế sự phụ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nào theo khu vực địa lý. Tổ chức sản xuất và kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số không chỉ là một lựa chọn khi có đủ điều kiện, mà là một phương án bắt buộc. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ không tận dụng được tốc độ mạng 5G nếu kho bãi không có, đường sá không thông suốt, chi phí logistics cao, thủ tục hải quan rườm rà. Do vậy, Chính phủ cũng cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cho kinh tế kỹ thuật số.

Theo TT&CS
back to top