Thương mại điện tử đưa hàng Việt ra thế giới

(khoahocdoisong.vn) - Thương mại truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thương mại trực tuyến được xem là lựa chọn hướng đi đương nhiên, để người dân và doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Kênh bán hàng mới

Dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực gặp khó khăn và xúc tiến thương mại cũng bị ngưng trệ. Việt Nam, cũng không ngoại lệ, việc các nước đóng cửa phòng dịch khiến các hoạt động giao thương trực tiếp thực hiện vô cùng khó khăn.

Trung Quốc trong nhiều năm qua là thị trường tiêu thụ chính của hàng hóa Việt, nhất là các mặt hàng nông sản, nên khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, áp lực tiêu thụ đặt lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.

Trong một tháng qua, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu đến từ vùng dịch của Việt Nam, khiến thời gian thông quan kéo dài, gây ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu. Việc đóng cửa khẩu tại Hà Khẩu (Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (Hà Giang) khiến lượng hàng hóa bị ùn lại rất lớn.

Thống kê chỉ trong ngày 16/8, khi Trung Quốc đột ngột dừng thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, hàng trăm xe chở hàng nông sản đã ùn tắc tại cửa khẩu này. Trước đó, Lạng Sơn cũng đã báo cáo tới Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 7/8, phía Trung Quốc dừng thông quan khiến hơn 500 xe ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh và mỗi ngày từ 130 – 150 xe  tiếp tục dồn lên…

Trong khi đó, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong xuất nhập khẩu theo cách truyền thống và dựa vào các thị trường vốn có, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trên khắp 5 châu lục gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng châu Phi, Australia.

Điển hình là vụ vải thiều của Bắc Giang đã được tiêu thụ nhanh với giá trị trung bình cao. Điểm nổi bật là vải năm nay đã được giới thiệu sang nhiều thị trường tiềm năng mới như Pháp, Nhật Bản, Hà Lan với giá lên đến gần 500.000đ/kg nhưng vẫn "cháy hàng".

Nhờ thị trường ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu trên nhiều thị trường quốc tế “khó tính” như Nhật Bản, EU… và tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt trên 89.000 tấn, chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ.

Hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Đăk Lăk, Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Voso.vn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đồng thời thu hút đầu tư vào chế biến, sản xuất nông sản tại địa phương.

Nâng cao thương hiệu hàng Việt

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TPHCM (ITPC) cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là chính, vì vậy, những biến động bất ngờ, làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế như dịch Covid-19 sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng.

Do đó, để thích nghi với mọi tình huống, các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp buộc phải tìm ra phương thức kết nối mới, có thể ứng dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau là vô cùng cần thiết. Việc tận dụng các nền tảng công nghệ thông tin để tìm kiếm cơ hội giao thương được xem là giải pháp khả thi nhất hiện nay.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, trên 4.000 doanh nghiệp của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gần đây cho thấy, có đến 99% doanh nghiệp kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số trên 800 doanh nghiệp xuất khẩu được khảo sát có đến 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% là doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, số doanh nghiệp lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 54%, trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 36%.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về xúc tiến thương mại (App). Đây là nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện.

Sắp tới, Cục sẽ triển khai thí điểm hình thức mới là tham gia hội chợ từ xa - lựa chọn các hội chợ có uy tín, được triển khai tại nội địa các nước và khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh để xây dựng gian hàng trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện trực tiếp quảng bá sản phẩm đến khách hàng quốc tế và sử dụng công nghệ để kết nối giao dịch giữa doanh nghiệp tại Việt Nam với khách nước ngoài thăm quan gian hàng.

Ngoài ra, Cục còn hợp tác với các sàn thương mại điện tử uy tín trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global Sources nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và nhà nhập khẩu toàn cầu.

Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.

Do đó, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp...

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top