Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Cơ hội ghi dấu ấn Việt Nam vào lịch sử

Với vai trò nước tổ chức, Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho hai bên trao đổi, mà qua đó còn có cơ hội thúc đẩy quan hệ với hai nước, đóng góp vào duy trì hòa bình thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Vì sao Việt Nam được chọn tổ chức sự kiện tầm cỡ này? Việt Nam thu được lợi ích gì từ đây?

Xung quanh vấn đề trên, PV có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao.

Địa điểm tổ chức sự kiện quốc tế đáng tin cậy

Thưa ông, trong các hội nghị hoặc cuộc gặp quốc tế tầm cỡ thì vai trò và tiêu chí của việc chọn vị trí tổ chức sự kiện ra sao?

Với các cuộc gặp quốc tế song phương hay đa phương, việc chọn địa điểm đều vô cùng quan trọng. Địa điểm đó phải đảm bảo giúp tổ chức sự kiện tối ưu; thứ 2 góc độ an ninh cũng phải đảm bảo cao nhất, đặc biệt những nước như Mỹ, Triều Tiên hết sức quan tâm yếu tố này; thứ 3 là thuận tiện cho việc đi lại; thứ 4, quốc gia ấy phải có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia tham dự sự kiện.

Chẳng hạn, với Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất (tháng 6/2018), Singapore đã được chọn vì có quan hệ rất tốt với cả hai nước. Đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng là quốc gia phát triển, cơ sở vật chất, an ninh cực kỳ tốt, lại rất giàu kinh nghiệm, trình độ tổ chức những sự kiện quốc tế lớn. Bên cạnh đó, đây là một địa điểm thuận lợi cho cả Mỹ và Triều Tiên, cũng như cho báo chí quốc tế tác nghiệp.

Như ông vừa đề cập, một trong những yếu tố khiến Singapore được chọn là do cơ sở vật chất rất tốt. Việt Nam chưa thể sánh với Singapore về mặt này thì liệu ta có gặp khó khăn hơn không?

Tất nhiên có mặt này mặt khác ta không bằng Singapore, nhưng hiện tại cơ sở vật chất của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, với hệ thống khách sạn, cung hội nghị sang trọng…, đội ngũ phục vụ đã được rèn luyện, “lớn lên” qua từng sự kiện.

Chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm và thực tế đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện quốc tế lớn, phức tạp. Ví dụ hàng loạt cuộc gặp đa phương như Hội nghị cấp cao Francophonie lần thứ 7 (năm 1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI (năm 1998), Hội nghị cấp cao Á – Âu ASEM 5 (năm 2004), APEC 14 (năm 2006), APEC 2017… Qua đó Việt Nam dần trở thành địa điểm tổ chức sự kiện quốc tế đáng tin cậy.

Ngay trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 (tháng 6/2018), Tổng thống Trump còn làm thế giới hồi hộp khi “dọa” hủy. Có vẻ hội nghị lần này diễn ra trong một không khí thuận lợi hơn?

Lần gặp trước diễn ra khi sự nghi kị giữa hai bên còn lớn. Thậm chí sát ngày hội nghị, ông Trump còn tuyên bố có thể không dự, tất nhiên ẩn sau việc tuyên bố đó là nhiều điều, thậm chí có ý kiến cho rằng là “thủ thuật” của vị tổng thống Mỹ.

Lần này, độ tin cậy giữa hai bên đã lớn hơn, hai bên hiểu nhau hơn, đã trao đổi với nhau nhiều lần, giai đoạn chuẩn bị cũng tương đối dài. Tuyên bố của cuộc gặp lần trước có 4 điểm còn rất chung chung, và để cho cuộc gặp lần này được tổ chức hai bên đã nỗ lực rất nhiều, bàn rất kỹ những vấn đề cần tháo gỡ để tuyên bố đi vào nội dung cụ thể, thiết thực hơn.

Cá nhân tôi tin rằng cuộc gặp lần 2 sẽ đạt được kết quả mong muốn, tất nhiên không phải hoàn toàn, nhưng sẽ ra được tuyên bố chi tiết hơn, giải quyết được những vấn đề cơ bản, nhất là nền hòa bình bán đảo Triều Tiên. Có lẽ hai bên sẽ ra được thỏa thuận cụ thể để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và đổi lại Mỹ cũng sẽ có những cam kết để đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên, như đảm bảo không đe dọa chủ quyền độc lập.

Hai ông Trump - Kim trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tổ chức tại Singapore. Ảnh: Reuters

Hai ông Trump - Kim trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tổ chức tại Singapore. Ảnh: Reuters

Lợi ích vô hình mới thực sự lớn

Theo thông tin từ Bộ ngoại giao Singapore, chi phí họ bỏ ra cuộc gặp Mỹ - Triều khoảng 12 triệu USD. Song rõ ràng những gì họ gặt hái lớn hơn vậy nhiều. Với Việt Nam, ông đánh giá ra sao về lợi ích chúng ta thu được qua việc tổ chức cuộc gặp lần này?

Trước tiên, “cái thu” nhìn thấy là thu hút đông đảo du khách, họ sẽ sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ của ta, qua đó thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Nhưng giá trị của “cái thu” phi vật chất mới thực sự lớn.

Về mặt truyền thông chẳng hạn, chúng ta có thể phải tốn hàng chục nghìn USD để lên được lên CNN trong ít phút, nhưng sự kiện này tự nhiên sẽ hút báo chí các nước, gồm cả các hãng lớn như CNN, đến đưa tin, giúp lan truyền rộng rãi hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Việc được chọn làm địa điểm tổ chức cũng giúp nước chủ nhà phát huy vai trò, vị thế, nâng cao uy tín trên trường quốc tế và khu vực. Nếu làm tốt chúng ta sẽ trở thành địa điểm được tin cậy, thường xuyên được lựa chọn.

Mặt khác, quan trọng không kém, đây còn là cơ hội thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với hai nước Mỹ, Triều Tiên?

Đúng vậy, với vai trò nước tổ chức, ta không chỉ tạo điều kiện cho hai bên trao đổi, mà qua đó còn có cơ hội thúc đẩy quan hệ với hai nước.

Chủ tịch Kim Jong-un sẽ kết hợp cuộc gặp song phương với thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên. Tính đến nay, chuyến thăm năm 1958 của ông Kim Nhật Thành là lần duy nhất lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam.

Mặc dù cùng là nước XHCN, nhưng giữa Việt Nam và Triều Tiên từng có những khúc mắc. Giữa hai nước quan hệ kinh tế chưa có mấy, về chính trị thì ít tiếp xúc cấp cao. Quan hệ kinh tế sẽ thúc đẩy quan hệ chính trị đi vào thực chất hơn.

Có thể nói chuyến thăm lần này mang vai trò “đột phá khẩu” trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt trong bối cảnh CHND Triều Tiên đang mong muốn cải cách, đổi mới, họ nhìn thấy mô hình Việt Nam rất phù hợp, có những nét tương đồng: cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng trải qua chế độ quan liêu bao cấp. Chủ tịch Triều Tiên có thể chứng kiến kết quả công cuộc đổi mới của Việt Nam và xem có thể tham khảo kinh nghiệm gì.

Theo thông tin báo chí, chủ tịch Kim Jong-un cùng phái đoàn của ông có thể sẽ dành thời gian đi thăm một số cơ sở phát triển kinh tế chủ lực của Việt Nam, là nhà máy lớn nhất của Samsung đặt tại tỉnh Bắc Ninh, khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).

Vậy còn quan hệ với Mỹ thì thế nào, thưa ông?

Đối với Mỹ, đây là cuộc gặp cấp cao lần thứ 3 giữa hai nước trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Lần đầu tiên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Washington (tháng 5/2017). Lần 2 là Tổng thống Trump thăm cấp nhà nước Việt Nam sau khi dự Hội nghị APEC (tháng 11/2017). Việc gặp cấp cao thường xuyên góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ.

Việc Mỹ thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên gặp ở Việt Nam cũng thấy độ tin cậy, cũng như thấy vị trí Việt Nam trong chiến lược đối ngoại lớn của Mỹ.

Có vị quan chức Singapore từng đánh giá tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều tạo cho họ nhiều cơ hội, nhưng lợi ích chính là “hỗ trợ con đường đến hòa bình”. Với Việt Nam, nước tổ chức cuộc gặp lần 2 thì sao, thưa ông?

Sau hội nghị tháng 6 ở Singapore, hai bên ra được tuyên bố 4 điểm rất chung chung, và việc thúc đẩy tiến triển thực hiện những tuyên bố đó không nhiều, bởi nhận thức chung thì dễ nhưng cụ thể hóa mới khó. Bởi vậy người ta đang hy vọng hội nghị tới sẽ ra được tuyên bố cụ thể, chi tiết hơn khi hai bên đã đàm phán nhiều lần, nhất trí được những nhận thức cụ thể.

Tôi rất hy vọng ở cuộc gặp lần 2 này. Nếu họ ký kết được những thỏa thuận để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Triều xích lại gần nhau, ký được hiệp ước hòa bình, thì cái Việt Nam thu được vượt xa khía cạnh vật chất hay truyền thông, đó là đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Điều đó sẽ ghi dấu ấn Việt Nam vào lịch sử nhân loại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Theo vietnamnet.vn
back to top