Thương chiến Mỹ - Trung: Rủi ro và cơ hội của hàng Việt

(khoahocdoisong.vn) - Rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ nội lực và tỉnh táo. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại này.

Trái ngược với kỳ vọng

Xuất khẩu của Việt Nam từng kỳ vọng sẽ giữ được sự tăng trưởng ở các thị trường và thêm lợi thế ở thị trường Mỹ và Trung Quốc nhờ chiến tranh thương mại. Hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp vào hàng hóa của nhau đã tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, 1 năm qua, mọi việc đã không diễn biến như vậy.

Ngoại trừ Mỹ có đột biến, hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn khác đều sụt giảm tăng trưởng so với nửa đầu năm 2018. Trong đó, thị trường Nhật giảm khoảng 25%, ASEAN giảm gần 70%, Hàn Quốc giảm 80%. Cá biệt, thị trường Trung Quốc giảm sốc từ 28% xuống còn 1%, thị trường EU thậm chí tăng trưởng âm (giảm 0,4%).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, sụt giảm xuất nhập khẩu và FDI sau 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cho thấy những ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nông - thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 9,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ (từ mức 16,5% cùng kỳ năm 2018), thủy sản giảm 3,9 điểm phần trăm (từ mức 18,2% cùng kỳ năm trước).

Nguyên nhân chủ yếu do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu, buộc một số loại nông sản phải nhập khẩu theo đường chính ngạch. Phần lớn các quy định này đã có từ vài năm trước, nhưng chỉ tới đầu năm 2019, khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc mới siết chặt việc thực thi. Ông Lộc dự báo, ngay cả khi các doanh nghiệp điều chỉnh theo các yêu cầu mới, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên xuất khẩu chính ngạch..., thì xu hướng giảm xuất khẩu có thể chưa đảo chiều ngay.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung. Đồng thời cũng tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Do đó, VCCI vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp ứng phó với tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

Theo đó, VCCI khuyến nghị các giải pháp nhằm trực tiếp gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ở từng thị trường, với từng loại sản phẩm. Ví dụ, với thị trường Trung Quốc, trong lĩnh vực nông - thủy sản, cần phổ biến thông tin và hướng dẫn nông dân, các cơ sở sản xuất thực hiện các yêu cầu/quy định mới của Trung Quốc. Phối hợp với cơ quan phía Trung Quốc để hỗ trợ đăng ký mã số cho hàng hóa, cơ sở sản xuất, hỗ trợ nông dân và các cơ sở nông sản…

VCCI cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, rà soát để cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, cắt giảm chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp... Các doanh nghiệp cần an toàn, an tâm và chi phí thấp.

Rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước

Theo bà Lệ Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt phải thỏa mãn khá nhiều điều kiện mới. Một là, phải có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Cục Quản lý chất lương nông - lâm và thủy sản (Nafiqad) công nhận. Hai là, các lô hàng xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư An toàn thực phẩm do Nafiqad cấp.

Đặc biệt, thủy hải sản của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩp vào Trung Quốc, phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy C/O, bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc...

Thời gian cập nhật danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu hàng vào Trung Quốc sẽ được Nafiqad và Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện hàng quý. Nghĩa là, từ nay đến cuối năm, sẽ chỉ có 2 đợt xem xét. Doanh nghiệp nào chậm trễ sẽ phải đợi khá nhiều thời gian.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN phân tích thêm, rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là vấn đề chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc. Theo đó, hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại khi vào thị trường Mỹ đã tạo cơ hội về đầu tư sản xuất tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ.

Nhưng điều này cũng tạo ra nguy cơ hàng Việt có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế.  Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập tái xuất hoặc gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Hàng hóa Trung Quốc tránh thuế là lý do chính đáng để Mỹ điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại với hàng hóa từ Việt Nam.

Ở góc độ đầu tư, Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, nhiều ý kiến nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng thực chất việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng lại tạo ra rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước.

Khi doanh nghiệp Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam thì giá nhân công, giá bất động sản công nghiệp sẽ tăng. Cạnh tranh về nhân công, về nguyên phụ liệu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đuối sức, thậm chí phải từ bỏ thị trường. 

Chỉ 6 tháng đầu năm 2019, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, đạt 2,29 tỷ USD, trong đó có tới 85% vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Có nghĩa thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng, nhưng lợi ích thật sự không thuộc về doanh nghiệp Việt. Mặt khác, cũng cần kiểm soát chặt chẽ dấu hiệu dịch chuyển dự án sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu và ô nhiễm từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh những tác động lâu dài tới môi trường.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Quan trọng nhất là không tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc để tránh Mỹ điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top