Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Thuốc và thực phẩm chức năng giả - hiện trạng và giải pháp" do Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ngày 22/9.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian vừa qua, trải qua dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gần đây các mặt hàng như thuốc, thực phẩm chức năng làm giả có xu hướng gia tăng.
Tình trạng sản xuất hàng giả liên tục xảy ra nhiều khu vực trên cả nước, mặt hàng bị làm giả còn có thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... Thậm chí, hàng giả còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Thuốc, thực phẩm chức năng giả: tem giả còn đẹp hơn tem thật. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý hơn 1.200 vụ về làm giả chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, tem, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Trong số các mẫu tân dược bị làm giả đa phần là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền.
Các loại thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Mặc dù nhiều công nghệ chống hàng giả được các công ty dược áp dụng nhưng mang lại hiệu quả không đạt như mong đợi. Thậm chí, công nghệ làm giả tem chống giả còn đẹp hơn cả tem chống giả thật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết thêm nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược". Để né tránh quy định của pháp luật, khi quảng cáo vẫn đọc, trên nhãn vẫn ghi "thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", chỉ lướt qua, trong khi trước đó đã quảng cáo về công dụng chữa bệnh.