Thuốc điều trị đái tháo đường ở phụ nữ có thai có an toàn?

Con của các bà mẹ bị đái tháo đường có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật tim cao hơn con các bà mẹ không bị đái tháo đường.

Hỏi: Con dâu tôi bị đái tháo đường và cháu chuẩn bị mang thai đứa con thứ 2. Cả nhà tôi rất lo lắng không rõ thuốc điều trị đái tháo đường ở phụ nữ có thai có an toàn?

Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội)

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc đái tháo đường với phụ nữ có thai

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc đái tháo đường với phụ nữ có thai

Trả lời: Từ trước tới nay insulin vẫn được coi là thuốc đái tháo đường an toàn nhất cho phụ nữ có thai bị đái tháo đường vì nó không qua rau thai. Tuy nhiên do kiểm soát đường huyết khó khăn nên tỷ lệ bệnh nhân phải dùng thêm thuốc đái tháo đường thứ 2 ngày càng tăng. Điều này đặt ra câu hỏi về tính an toàn của các thuốc không phải insulin ở phụ nữ có thai.

Một nghiên cứu đoàn hệ quan sát lớn nhất từ trước tới nay, dựa trên dữ liệu từ các nước vùng Bắc Âu, Mỹ và Israel, theo dõi các bà mẹ bị đái tháo đường và con đến 1 tuổi. Phơi nhiễm với các thuốc Sulfonylurea, ức chế DPP-4, GLP-1 RA, ức chế SGLT-2 và insulin, trong vòng 90 ngày trước khi mang thai cho đến cuối 3 tháng đầu thai kỳ.

Kết quả: Tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh là 3,7% ở tất cả trẻ sơ sinh (n = 3 514 865), và 5,3% ở trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ mắc ĐTĐ typ 2. Tỷ lệ này ở trẻ sơ sinh phơi nhiễm với sulfonylurea là 9,7% (n = 1362), thuốc ức chế DPP-4 là 6,1% (n = 687), thuốc GLP-1 RA là 8,3% (n = 938); thuốc ức chế SGLT-2 là 7,0% (n = 335); và insulin là 7,8% (n = 5078).

Nguy cơ tương đối bị dị tật bẩm sinh điều chỉnh theo insulin lần lượt là 1,18 (0,94-1,48), 0,83 (0,64-1,06), 0,95 (0,72-1,26), và 0,98 (0,65-1,46) đối với trẻ sơ sinh phơi nhiễm với sulfonylurea, thuốc ức chế DPP-4, GLP-1 RA và thuốc ức chế SGLT-2.

Như vậy con của các bà mẹ bị đái tháo đường có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật tim cao hơn con các bà mẹ không bị đái tháo đường. Tuy nhiên việc phải điều trị thêm thuốc đái tháo đường thứ 2 ngoài insulin quanh thời điểm thụ thai không làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hơn so với điều trị insulin đơn thuần. Tuy nhiên cần thêm nghiên cứu về vấn đề này.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TƯ)

Theo Đời sống
back to top