Thuốc bôi trị mụn: Lưu ý cần thiết khi sử dụng

Mụn là bệnh da liễu thường gặp nhất vào mùa hè. Nguyên nhân là do vi khuẩn bên ngoài xâm nhập nang lông và phát triển thành mụn. Vậy khi bị mụn cần lưu ý gì khi dùng thuốc trị?

Các thuốc bôi ngoài da trị mụn

Thuốc trị tại chỗ thường áp dụng với các trường hợp bị mụn nhẹ. Một số thuốc sau hay được sử dụng bôi trực tiếp lên vị trí nổi mụn:

Clindamycin 1%: Có ở dạng gel hoặc dung dịch. Thuốc có tác dụng làm giảm các tổn thương do mụn và ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, có tác dụng tốt đối với mụn mủ, sẩn mủ, nhưng đối với nang mụn và nhân mụn thì thuốc ít có hiệu quả.

Khi dùng cần rửa thật sạch vùng tổn thương (mụn), lau khô da sau đó thoa một lớp gel mỏng lên vùng da bị mụn. Ngày bôi 3-4 lần. Không dùng quá 12 tuần. Những người nhạy cảm với các thành phần của thuốc, trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú không dùng thuốc này.

Một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng thuốc là: Dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa ngoài da, da khô, bong tróc, lột da… Các triệu chứng này sẽ giảm sau khi ngưng không sử dụng thuốc.

Dù là thuốc bôi cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

Erythromycin 4%: Có dạng dung dịch và dạng gel bôi ngoài da, dùng để bôi trị mụn và các nhiễm khuẩn ngoài da. Bôi 1-2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc trong khoảng 1-3 tháng cho đến khi bệnh thuyên giảm. Một số phản ứng dị ứng da có thể xảy ra như khó chịu, mẩn ngứa, hồng ban, cảm giác khô da khi bắt đầu điều trị.

Benzoyl peroxyd: Là thuốc kháng khuẩn có tác dụng trên vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes, làm giảm axít béo tự do trong nang tuyến bã, làm tiêu nhân mụn. Ngoài ra, benzoyl peroxid còn làm tróc vảy da và bong lớp sừng. Tuy nhiên, thuốc gây kích ứng da, viêm da tiếp xúc, khô da… Thuốc chỉ được dùng ngoài. Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, niêm mạc, môi và miệng. Nếu không may tiếp xúc xảy ra, phải rửa kỹ với nước.

Trước khi bôi thuốc cần thử xem mình có bị mẫn cảm với thuốc hay không bằng cách bôi thử thuốc trên một vùng da nhỏ. Nếu có kích ứng hoặc khô da thì nên giảm số lần dùng. Nếu bị ngứa nhiều, đỏ, nóng bừng, sưng phồng hoặc kích ứng thì ngừng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc. Dùng thuốc trong vòng 4 tuần mà không thấy hiệu quả, nên ngừng thuốc và khám lại. Một đợt điều trị không được kéo dài quá 3 tháng.

Trước khi dùng thuốc, phải rửa sạch và làm khô các vùng có mụn trứng cá hoặc mụn mủ ở mặt, cổ hoặc bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Bôi một lớp rất mỏng, ngày 1 – 2 lần. Tốt nhất là nên dùng vào lúc đi ngủ để thuốc tác dụng qua đêm. Với thuốc xức (lotion), cần lắc kỹ trước khi dùng. Khi bôi thuốc cần tránh ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại.

Tretinoin: Thuốc có hiệu quả trên nhân mụn, do tác dụng tiêu tan các “nút mụn” làm cho nhân mụn được thoát ra (trồi ra ngoài), các vi nang (nơi có nhiều vi khuẩn Staphylococcus epidermis và Propionibacterium acnes sinh sôi) trở thành các nang mở và tránh được ứ đọng chất bã. Thuốc ít có hiệu quả với mụn mủ và mụn nang.

Trước khi dùng thuốc này cần phải thử tính nhạy cảm của người bệnh trước khi điều trị, bằng cách bôi thuốc vài lần lên một vùng nhỏ nơi có tổn thương. Ngay cả trên da bình thường, tretinoin cũng gây phản ứng viêm nhẹ, dẫn đến làm dày lớp gai và á sừng. Bôi quá nhiều tretinoin không làm tăng tác dụng điều trị mà lại có thể làm cho phản ứng viêm mạnh lên, gây bong da và khó chịu. Chế phẩm có nồng độ tretinoin cao có thể gây tổn thương nặng ở thượng bì và sinh mụn phỏng.

Người bệnh điều trị bằng tretinoin ở mặt không được rửa mặt quá 2 – 3 lần mỗi ngày, phải dùng xà phòng dịu và trung tính. Không bôi lên mắt và vùng quanh mắt, miệng, góc mũi, màng nhầy hoặc vết thương hở. Tránh ra nắng càng nhiều càng tốt.

Các tác dụng không mong muốn chủ yếu của tretinoin bôi là các phản ứng viêm tại chỗ. Thường gặp: Khô da, ban đỏ, vảy da, tăng hoặc giảm sắc tố, nhạy cảm ánh sáng, bột phát trứng cá ban đầu; tại chỗ: Nhói đau, cảm giác châm chích, bỏng rát, mụn nước… Phần lớn các tác dụng phụ này có liên quan với liều dùng và hồi phục được. Tuy nhiên, khi có tác dụng phụ thì giảm liều, giảm số lần bôi thuốc hay tạm ngừng hoặc ngừng hẳn trị liệu.

Bôi thuốc vào lúc trước khi đi ngủ là tốt nhất. Cần làm sạch và khô vùng da tổn thương trước khi bôi thuốc. Tác dụng điều trị thường xuất hiện sau 2 – 3 tuần, thậm chí có thể phải hơn 6 tuần mới thấy hiệu quả điều trị tối ưu của thuốc.

Những lưu ý cần thiết đối với người bệnh

Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể cho dùng thuốc bôi, thuốc uống hay kết hợp với các phương pháp khác.

Trong điều trị mụn, người bệnh phải kiên nhẫn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong việc theo dõi hiệu quả điều trị, thông báo những bất lợi của thuốc (nếu xảy ra) để được xử lý đúng, thích hợp, kịp thời.

Không được chích nặn mụn nhọt ở giai đoạn đang viêm tấy, mụn chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm khuẩn.

Thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân và chỗ ở sạch sẽ; nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống thêm nhiều thực phẩm chứa vitamin và đạm…

DS. Nguyễn Thu Giang (SKĐS)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top