Sức bật mới cho ‘mặt tiền biển’ của Việt Nam
Tham dự Hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung và các địa phương khác (Gia Lai, Bình Dương…); Đại diện của các tổ chức quốc tế; Các Chuyên gia, nhà khoa học; Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Hội nghị sẽ thảo luận về cơ chế, chính sách để giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố bứt phá, phát triển bền vững, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch biển đảo và những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển miền Trung.
FLC Quy Nhơn, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên góp phần đáng kể trong thúc đẩy phát triển du lịch Quy Nhơn – Bình Định |
Tiềm năng du lịch lớn
Là mặt tiền ra biển Đông của Việt Nam với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Đây là khu vực hội tụ đầy đủ các tài nguyên du lịch Việt Nam như biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng, đồng thời sở hữu nhiều di sản UNESCO và số lượng các bãi biển nghỉ dưỡng đẹp được quốc tế đánh giá cao.
Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành du lịch vùng miền Trung đang trở thành động lực tăng trưởng ngành công nghiệp không khói của vùng. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa đi lại giữa các địa phương ở Việt Nam và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước.
Khu vực miền Trung sở hữu số lượng lớn các thắng cảnh biển đảo xứng tầm quốc tế |
Sự tham gia của các hãng hàng không mới như Bamboo Airways mở nhiều đường bay kết nối các điểm du lịch miền Trung, hay việc đưa vào hoạt động nhiều tuyến cao tốc trọng điểm Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, Bình Định - Nha Trang cũng đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn đến năm 2021 góp phần đáng kể trong việc kết nối khách du lịch đến với miền Trung trở nên dễ dàng hơn.
Dù hội tụ lợi thế hiếm có song nhìn chung, du lịch nhiều tỉnh miền Trung nhiều năm nay vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác đến. Hầu hết các tỉnh thời gian qua chủ yếu phát triển du lịch theo chiều rộng, dựa vào việc khai thác thô các tài nguyên mà thiếu đi hạ tầng dịch vụ, các sản phẩm du lịch đồng bộ kết nối giữa các địa phương trong Vùng.
Động lực mới cho du lịch miền Trung
Hơn 3 năm trở lại đây, hạ tầng du lịch miền Trung đang dần “lột xác” nhờ sự xuất hiện của một số khu tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư bởi các thương hiệu uy tín trong nước và khu vực.
Tiên phong cho mô hình này có thể kể tới FLC Quy Nhơn, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao đầu tiên tại Quy Nhơn (Bình Định) do Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng. Đây cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.
Đi vào hoạt động từ năm 2016, FLC Quy Nhơn bao gồm gần 1.000 phòng khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế sức chứa lên tới gần 1.500 chỗ, sân golf 36 hố và hàng loạt tiện ích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại. Ước tính mỗi năm, FLC Quy Nhơn đón hàng vạn lượt du khách đến nghỉ dưỡng, chơi golf, hội họp và tham gia các sự kiện văn hóa thể thao quy mô diễn ra hàng tuần.
Hiệu ứng của mô hình tác động rõ rệt khi góp phần thúc đẩy lượng du khách đến Quy Nhơn tăng mạnh, đưa số chuyến bay đến cảng hàng không Phù Cát tăng từ 3 - 5 chuyến mỗi tuần (trước 2017) nay lên đến 35 – 40 chuyến. Năm 2018, doanh thu từ du lịch tại Bình Định tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, lên tới hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Là địa phương được lựa chọn đăng cai tổ chức một hội nghị quy mô lớn về phát triển kinh tế của cả Vùng miền Trung đã cho thấy đánh giá và sự ghi nhận của Chính phủ trước những nỗ lực phát triển của Bình Định trong suốt thời gian qua.
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giúp thông thương hàng hóa và rút ngắn thời gian di chuyển của du khách nhanh chóng, thuận lợi hơn |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tại hội nghị này, đại diện cho các địa phương vùng kinh tế miền Trung, Bình Định sẽ kiến nghị lên Chính phủ các nhóm vấn đề về đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm, chính sách phát triển các cảng biển, khu kinh tế, thu hút đầu tư vào công nghiệp… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giữa bối cảnh cạnh tranh phát triển du lịch ngày càng gay gắt và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, con đường phát triển du lịch, nhất là du lịch cao cấp để tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch hạng nhất của Bình Định cũng như các tỉnh, thành miền Trung không phải là điều dễ dàng. Để khai thác tối đa tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch miền Trung cần phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, sự quyết tâm của các địa phương, đặc biệt không thể thiếu nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn với các sản phẩm du lịch chất lượng xứng tầm quốc tế.