Dị vật đang được kéo ra qua ống nội khí quản và catheter (màu xanh) thông khí nằm ngoài ống nội khí quản.
Không gắp được dị vật chắc chắn chết
BN Phạm Văn K., 47 tuổi (Hà Nội) vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, chấn thương ngực kín gãy xương sườn 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 bên phải, dập phổi hai bên gây tràn máu màng phổi, tràn khí trung thất, chấn thương hàm mặt vỡ nát hai xương hàm trên và hàm dưới gây sập toàn bộ vùng môi và cằm…đặc biệt là có rất nhiều dị vật cứng trong phế quản phổi phải gây tắc nghẽn đường thở nguy cơ tử vong cận kề. BN được vào cấp cứu đặt ống nội khí quản, dẫn lưu ngực kín và chuyển điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực.
ThS An Hải Toàn, Khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, đa chấn thương coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cấp cứu BN đa chấn thương là một thách thức cho bác sĩ cấp cứu hơn là cấp cứu BN chấn thương nặng. Bởi đa chấn thương còn được gọi là nhiều chấn thương nặng, do chấn thương, có hai hay nhiều thương tổn sọ não, chi hay nội tạng, trong số này ít nhất có một tổn thương nặng đe dọa đến tính mạng do suy hô hấp và tuần hoàn. Những trường hợp này thường phải thở máy kéo dài, cai máy thở chỉ tiến hành khi BN đã hồi phục các chức năng sống, có khả năng tự thở thỏa đáng.
Trường hợp BN K., không chỉ phối hợp nhiều chấn thương mà còn bị dị vật cứng (gạch đá) rơi vào làm tắc nghẽn đường thở. Để sống được bắt buộc phải nội soi gắp lấy bỏ dị vật làm lưu thông đường thở tránh tổn thương gây xẹp và viêm phổi thứ phát gây tử vong. Tuy nhiên, với tổn thương nội soi gặp dị vật theo cách thông thường không thể thực hiện được. Vì vậy, bệnh viện đã quyết định áp dụng phương pháp thông khí cao tần với hy vọng cứu sống BN.
Giải pháp linh hoạt sự kết hợp của nhiều chuyên khoa
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện TƯQĐ 108, với quyết tâm chỉ còn 1 tia hy vọng cũng phải quyết tâm cứu người, ngay lập tức bệnh viện đã tổ chức hội chẩn với nhiều chuyên khoa: ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực, nội hô hấp, hàm mặt, gây mê hồi sức …và đưa ra phác đồ điều trị tích cực.
Vấn đề ưu tiên điều trị trước mắt phải lấy được dị vật đường thở tránh tổn thương thứ phát mới có cơ hội cứu sống BN. Nhưng vấn đề đặt ra là kích thước ống nội soi mềm có thể gắp được dị vật phải đủ lớn, đường kính thường 5,5 – 6,0mm, khi đưa qua ống nội khí quản sẽ bít hoàn toàn đường thở, mặt khác khi gắp được dị vật sẽ khó kéo ra ngoài qua ống nội khí quản, nếu rút ống nội khí quản cùng dị vật nguy cơ sẽ không đặt lại được ống thở do hai xương hàm đã vỡ nát, BN phụ thuộc thở máy nếu không đặt được nội khí quản nhanh sẽ rất nguy hiểm.
Cuối cùng sau khi bàn bạc kỹ, hội đồng quyết định dùng phương pháp thông khí cao tần với máy Manujet III bằng cách cho BN ngủ, an thần sâu rồi dùng đèn soi thanh quản đặt thêm một catheter Hook 3,5Fr luồn bên ngoài ống nội khí quản đã đặt trước, đưa sâu vào phía trên carina và thông khí hoàn toàn qua hệ thống Manujet III với oxy 100%. Ngoài mục đích đảm bảo thông khí trong quá trình nội soi lấy dị vật, catheter còn có thể làm nòng dẫn đường khi cần có thể đặt lại ống nội khí quản một cách dễ dàng.
ThS An Hải Toàn cho biết, trong 45 phút nội soi gắp dị vật BN hoàn toàn yên tĩnh, mạch huyết áp ổn định, độ bão hòa oxy (SpO2) luôn đạt 100%. Bác sĩ gắp được dị vật là một mảnh đá kích thước 1,0 x 0,5 x 0,7cm ra khỏi phổi BN. Ngày hôm sau BN được kết xương hàm, điều trị tích cực chấn thương sọ não, sau 5 ngày BN ổn định gần hoàn toàn, cai máy thở, rút được ống nội khí quản và chuyển về buồng bệnh thường điều trị.
ThS An Toàn Nhấn mạnh, đây là trường hợp đa chấn thương hiếm gặp, thành công kết hợp bởi nhiều chuyên khoa. Kết quả này cho thấy, thông khí cao tần là giải pháp linh hoạt, an toàn, rất tốt cho các trường hợp gặp khó khăn đảm bảo thông khí đường thở trong các thủ thuật nội và ngoại khoa.
Thúy Nga