Hiện TPHCM có tới 1.331km2 có độ cao dưới 1,5m so với mực nước biển, nên thường xuyên chịu tác động trực tiếp từ thủy triều và xảy ra tình trạng ngập. Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Đến nay, thành phố mới xây dựng được 4.176/6.000km cống thoát nước, nạo vét, cải tạo 60,3/5.075km kênh rạch (hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… nên vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán chống ngập.
Tình trạng khó khăn trong xây dựng kênh, rạch này là do tình trạng nhà chống cọc của người dân trên hầu hết các kênh, rạch đã làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong nạo vét, cải tạo lòng sông, kênh đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khai thác vận tải đường thủy.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, cuối năm 2018, cả tuyến sông Sài Gòn có 84 dự án đầu tư xây dựng thì có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ, nhưng đến tháng 4/2019, nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.
Cùng với đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm, trái phép bờ sông, kênh rạch cũng đã khiến hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Thành phố đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún.
“Tình trạng lấn chiếm sông rạch nêu trên ngoài do công tác quản lý đô thị ‘có vấn đề’, còn một phần xuất phát từ thiếu vắng một đề án quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành nhằm bảo đảm về thống nhất tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông, kênh rạch”, Ths. KTS. Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM cho biết.