Thị trường nội địa: Nơi trú ẩn giúp doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Dân số Việt Nam với gần 100 triệu dân là thị trường tiềm năng với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chuyển hướng vào thị trường nội địa được xem là giải pháp chủ chốt để vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid-19. Nhưng có thật như vậy không?


Thị trường giàu tiềm năng

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận, những năm gần đây, việc lựa chọn các mặt hàng “made in Vietnam” đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng. Trong dịch Covid-19, tinh thần ủng hộ hàng nội ngày càng tăng cao, thị trường nội địa cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiềm năng của thị trường nội địa càng được thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19. Dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hoá nội địa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Khảo sát cho thấy, 92% người tiêu dùng được hỏi cho biết rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, trong khi đó 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm. Tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên cả nước, hàng Việt Nam chiếm khoảng gần 90%. Nhiều người tiêu dùng cũng dần tự mình thay đổi thói quen mua sắm, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp, an toàn cho sức khỏe gia đình. Và sự lựa chọn chính là hướng về các sản phẩm trong nước nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Như vậy, có thể thấy, với xu hướng tiêu dùng hàng Việt, thị trường nội địa là mảnh đất đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước khai thác. Ông Trần Duy Đông khuyến cáo, thị trường với gần 100 triệu dân của Việt Nam là hết sức quan trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu bức thiết đối với các DN hiện nay là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, nâng tầm thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải tập trung phát triển thị trường trong nước, theo hướng ưu tiên sử dụng hàng trong nước và sản phẩm có đầu vào tại Việt Nam, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả thị trường nội địa.

Còn ông Jacques Morriset - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cũng cho rằng, nội lực chính là cơ sở để Việt Nam vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”. Vậy nội lực của Việt Nam là gì? Trước hết là sự chủ động về nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực mà còn tiếp tục duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới. Thị trường và doanh nghiệp trong nước cũng là một nội lực để Việt Nam vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19” khi gần 100 triệu dân sẵn lòng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Biến thách thức thành cơ hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng và chuyển hướng dịch vụ, sản xuất, lấy uy tín với thị trường nội địa. Biến thách thức thành cơ hội để vượt qua khó khăn là điều mà nhiều doanh nghiệp nội địa đang chuyển hướng.

Du khách Việt tự hào khám phá hệ thống hang động Sơn Đoòng.

Du khách Việt tự hào khám phá hệ thống hang động Sơn Đoòng.

Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) là đơn vị chuyên khai thác khách du lịch tham quan tour Phong Nha Quảng Bình. Tour khám phá chuỗi hệ thống hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng trước khi có dịch Covid-19 chủ yếu khai thác khách nước ngoài. Sau khi dịch xảy ra, khách quốc tế bị hạn chế, Oxalis đã tiến hành khảo sát nhu cầu nội địa, triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho du khách... Với sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương thông qua việc cân nhắc giảm các loại vé, phí liên quan đến khách du lịch, Oxalis đã tạo ra các gói kích cầu du lịch nội địa. Kết quả khách hàng trong nước có cơ hội khám phá chuỗi hệ thống hang động Sơn Đoòng giá ưu đãi và doanh nghiệp cũng vượt được khó khăn trong mùa dịch.

Theo TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thị trường nội địa với nhiều tiềm năng sẽ là nơi “trú ẩn” để các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, giữ gìn sức lực để chờ thị trường thế giới ổn định lại. Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ về “đầu ra, đầu vào”. Doanh nghiệp làm chủ thị trường trong nước sẽ đỡ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, từ đó tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai.

Tất nhiên, đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng ít nhất, việc hướng nội cũng tạo được cho doanh nghiệp một thị trường để duy trì sản xuất, duy trì lao động. Muốn “sống sót” qua đại dịch, các doanh nghiệp cần chung tay đồng hành, hỗ trợ nhau, liên kết vùng, kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, để có thêm nguồn thu từ thị trường trong nước.

Theo ông Nam, tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ được ở thị trường nội địa, đặc biệt một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất các đồ gia dụng, may mặc… Các lĩnh vực khác như đào tạo, giáo dục, du lịch, cơ sở dịch vụ cho du lịch, phát triển các dự án đầu tư công, các ngành sản xuất gạch gói, xi măng… đều có nhiều cơ hội để phát triển.

Thị trường nội địa Việt Nam với dân số 100 triệu dân không phải thị trường quy mô nhỏ. Khi kinh doanh trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao như CPTPP và EVFTA, chú trọng thị trường trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng với các sản phẩm nước ngoài sau này. Làm tốt thị trường nội địa là một phần tất yếu giúp doanh nghiệp cạnh tranh có chỗ đứng trên sân nhà. Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.

Đồng thời với đó, Chính phủ đã thể hiện ý chí quyết tâm tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp như giảm bớt áp lực về thuế, giãn nợ, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng vay tiền không lãi suất để trả lương giữ chân người lao động cùng nhiều chính sách khác. Đây là những “đòn bẩy” rất tốt cho doanh nghiệp cả trong ngắn hạn và trung hạn. Phát triển bền vững doanh nghiệp là vững chắc nội địa tạo sức bật xuất khẩu.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top