Quy mô 6,7 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) qua kênh góp vốn, mua cổ phần là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.
Hàng loạt thương vụ M&A đình đám diễn ra sôi động trong 6 tháng đầu năm 2019. Sau khi dốc khoảng 470 triệu USD để sở hữu 9,45% cổ phần tại Masan, 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã hoàn tất thẩm định đầu tư, tiếp tục chờ cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) dù đang là cổ đông lớn nhất doanh nghiệp này.
Ông Chey Tae Won, Chủ tịch SK cũng đã nhiều lần khẳng định mối quan tâm của Tập đoàn này đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. SK còn mong muốn nghiên cứu, lựa chọn tham gia tái cấu trúc đưa một công ty trở thành công ty mẹ, từ đó tạo ra các chuỗi công ty tại Việt Nam.
Tương tự, thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ đầu tư của Nhật Bản chi khoảng 4 tỷ yên (tương đương 37 triệu USD) để mua 10% cổ phần của Công ty CP Gemadept. Trong khi đó, Mitsui (Nhật Bản) mua lại 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Còn Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd đã mua thêm được 20,6 triệu cổ phiếu của Dược Hậu Giang, qua đó nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78% tại một trong những công ty dược lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, những thương vụ M&A ngược dòng, doanh nghiệp Việt thâu tóm doanh nghiệp ngoại cũng ngày càng phổ biến. Chẳng hạn như VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của General Motors tại Việt Nam, FPT đã mua 90% cổ phần của Công ty Công nghệ Intellinet (Mỹ), Công ty Đường Khánh Hòa với các công ty nguyên liệu và sữa tại New Zealand... Điều này cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trong nước.
Trên thị trường bán lẻ, Saigon Coop cũng bất ngờ thâu tóm chuỗi siêu thị Auchan (Pháp). Đây được cho là một bước đi nhằm củng cố vị trí dẫn đầu và gia tăng thị phần của Saigon Coop. Thương vụ này cho thấy ngày đem lại hi vọng về việc các nhà bán lẻ trong nước đã có đủ tiềm lực để dẫn dắt cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán lẻ ngoại như Central Group, Emart hay Aeon.
Theo thông tin từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD. Thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính và bất động sản đang là miếng bánh béo bở thu hút nhà đầu tư.
Thêm thị trường, thêm thương hiệu
Theo Bộ KHĐT, 6 tháng đầu năm nay, đã có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ 2018. Kể cả không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông (Beerco Limited góp vốn vào Công ty TNHH Vietnam Beverage), thì tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các NĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký...
GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, là một trong những quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam mang đến cơ hội kinh doanh thuận lợi. Vì thế, không quá khó hiểu khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn cách đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần. Đó là cách nhanh nhất để họ thực hiện tham vọng tại thị trường Việt Nam - vốn luôn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, không chỉ trong năm nay mà cho cả thập kỷ tới, diễn ra trong nhiều ngành, lĩnh vực. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế toàn cầu; Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt các tên tuổi trong ngành ngân hàng, viễn thông, hàng không, dược phẩm, bán lẻ…; Chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A. Chính phủ cũng sẽ tìm những giải pháp chính sách giúp thị trường tiến lên nấc thang mới về giá trị và chất lượng cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan. Chính vì vậy, số lượng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ M&A, thực hiện các vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam sẽ ngày càng nhiều.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, xu hướng M&A sẽ ngày càng tăng thêm trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực, thị trường ngày càng rộng mở, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết. Đặc biệt, khi thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng, thì thực hiện các hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ là cách nhanh nhất để “né” những “đòn” trừng phạt về thuế.
Tiềm năng thị trường M&A Việt Nam còn rất rộng mở. Tuy nhiên, mặt trái của M&A cũng hết sức khắc nghiệt. Không ít ông chủ doanh nghiệp khi gọi vốn cổ phần bị loại khỏi vị trí làm chủ, hoặc DN bị các đối thủ lớn đè bẹp, đối mặt với rủi ro mất dần thị phần và chấp nhận phải ra đi. Vì thế, theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, Phó ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, M&A thực sự cần sự đồng thuận giữa các cổ đông lớn, tuân thủ các chiến lược mục tiêu đầu tư về con người, vốn… Mặt khác, các ông chủ mới cần cam kết đi đến cùng mục tiêu cho dù có những khó khăn khách quan thì doanh nghiệp mới phát triển.