Thép Việt: Bảo vệ bằng đóng cửa thị trường, hay mở cửa để tăng tốc phát triển?

(khoahocdoisong.vn) - Có ý kiến cho rằng, tăng thuế xuất khẩu phôi và giảm thuế nhập khẩu thành phẩm sẽ làm thép ngoại tràn vào, đe dọa hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn.

Vừa đề xuất đã... lạc hậu

Giá thép trên các sàn Thượng Hải, Đại Liên (Trung Quốc) đang nối tiếp đà tăng, trong khi sau chuỗi tăng liên tục từ đầu năm, trong gần 1 tháng trở lại đây, giá thép trong nước đang có xu hướng giảm giá.

Lý giải tình trạng này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thép tăng giá ảo do thị trường nguyên liệu thế giới biến động.

Cụ thể, theo VSA, Trung Quốc hiện đang chi phối hoàn toàn giá quặng thế giới với 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau Covid-19. Do đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất. Ngoài ra, do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Australia cũng góp phần đẩy giá quặng sắt tăng…

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, thêm nhiều doanh nghiệp đầu cơ “lướt” giá các sản phẩm liên quan đến thép, khiến giá thép tăng cao trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay giá thép thành phẩm trong nước đang giảm từng ngày, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ làn sóng dịch thứ 4, cũng như Chính phủ đã có nhiều biện pháp mạnh tay ổn định giá thép.

Cụ thể, dịch bệnh từ tháng 4 đến nay dẫn đến giãn cách xã hội, các công trình xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, chậm tiến độ, khiến tình hình tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh.

Giá bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6/2021 đã giảm 20% so với tháng 5 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2020, nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì bán hàng nội địa giảm lần lượt 28% và 22%.

Với mặt hàng phôi thép, hiện giá phôi thép đã giảm từ mức 16.700đ/kg trong tháng 6 xuống còn 13.700đ/kg. Giá bán này có thể thấp so với giá thành sản xuất phôi nhưng nhu cầu phôi trong nước gần như bằng không.

Thực tế hiện nay, nhu cầu phôi thép trong nước thấp hơn sản lượng sản xuất khiến sản phẩm làm ra không tiêu thụ hết.

Do đó, đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất thép đang có dấu hiệu chậm lại. Đại diện một doanh nghiệp khẳng định, doanh số bán các sản phẩm thép sẽ giảm mạnh trong tháng 7, có thể ít hơn 70% so với tháng 6.

Doanh nghiệp thép trong nước hiện đang có dấu hiệu rơi vào chu kỳ khó khăn, xuất khẩu thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công việc cho người lao động của nhà máy, giữ vững phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp và đất nước trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Trong tình thế đó, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm 5 - 10% thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép xây dựng, đồng thời, tăng thuế suất xuất khẩu phôi thép lên 5%, ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước... để ổn định thị trường thép trong nước thực tế đã lạc lậu. Và nếu áp dụng, sẽ chỉ có tác dụng làm thép ngoại tràn vào, đe dọa hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn - đại diện một doanh nghiệp thép nhận định.

Bảo hộ hay mở cửa?

Cụ thể, mới đây Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với phôi thép và giảm thuế nhập khẩu đối với thép thành phẩm. Theo đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57 năm 2020 của Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế đối với một số mặt hàng thép.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thép cốt bê tông từ 20% xuống 15%; thép góc, khuôn, hình và thép có răng khía từ 15% xuống 10%. Đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng, mức thuế nhập khẩu kiến nghị giảm từ 20% và 25% xuống 15%. Đối với thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh trên là để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao.

Đồng thời, việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép, giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của các doanh nghiệp thép trong nước. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho rằng đề xuất áp thuế xuất khẩu với phôi thép và giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm sẽ gây tác động kép, khiến nhiều doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng trăm nghìn người lao động ngành thép.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép cho biết, hiện giá thép giảm và đang dần đi vào ổn định, lượng bán hàng chậm khiến tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã cắt giảm 1/3 sản lượng sản xuất.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, phương án đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép của Bộ Tài chính là chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay.

VSA cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản... để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngành thép Việt Nam đang từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hoá để cải thiện sức cạnh tranh của ngành thép.

Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn.

VSA cũng cho rằng, chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép, cũng như các ngành kinh tế trong nước phát triển bền vững chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.

Mặt khác, cần lưu ý tới thực tế, hiện công suất thiết kế của các nhà sản xuất thép của Việt Nam hiện đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Và thép Việt hiện đã bước vào chu kỳ phải tìm đường đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, yêu cầu chính sách đặt ra là phải khuyến khích được xu thế ổn định thị trường trong nước và đồng thời gia tăng xuất khẩu mặt hàng thép.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top