Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Tại Hội thảo "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số" vừa diễn ra, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, Thông tư về eKYC vừa được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh ký. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển.

KYC (Know Your Customer) là quá trình xác minh danh tính của các thành viên nhằm giúp cho hệ thống tuân thủ luật chống rửa tiền (AML) và bảo vệ hệ thống trước các hành vi phạm pháp. Tuỳ vào cấp độ thành viên, những yêu cầu đối với hồ sơ xác minh sẽ khác nhau và không tiết lộ thông tin cá nhân cho các bên thứ ba không liên quan. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, các ngân hàng Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Hiện đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, số lượng và giá trị thanh toán qua ATM gần như không tăng nhưng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác đã tăng mạnh. Trước kia, Napas xử lý 90% giao dịch là qua ATM, nhưng hiện nay, số lượng giao dịch qua ATM chỉ còn chiếm 6% tổng số giao dịch. Trong 8 tháng năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%. Tính trong cả 5 năm qua, thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

Hiện có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện (doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%).

Ông Phạm Tiến Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn mà thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn, đó là: Hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.

Theo Đời sống
back to top