Thần kinh có vấn đề mới bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng

Theo TS Đinh Đoàn, hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn, Hà Nội, một giáo viên với tâm lý bình thường thì không bao giờ hành xử bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.

Hoặc là giáo viên này đang phải chịu áp lực rất lớn, gặp phải chuyện buồn phiền, ức chế, hoặc là thần kinh có vấn đề mới làm vậy. Đáng tiếc là trong trường sư phạm, giáo viên chỉ được dạy kiến thức mà quên mất các kỹ năng ứng xử trong tình huống sư phạm.

Ai lại ngu thế!?

Sự việc cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng do nói chuyện trong lớp học ở Trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng đang khiến dư luận rất bất bình, là một nhà sư phạm, ông nghĩ sao về hành động của giáo viên đó?

Chắc chắn đó là hành động không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm. Một con người bình thường, tâm lý bình thường, không bao giờ làm việc đó, huống hồ là giáo viên. Tôi cho rằng phần lớn những việc như nhét giẻ vào mồm học sinh, đánh mắng học sinh, bạo lực với học sinh… đều do “giận cá chém thớt” mà ra. Chứ tình huống ấy, lỗi ấy, không ai đi làm thế cả. Ai lại ngu đi hành xử như thế!

Ông đang biện minh là do áp lực, căng thẳng từ việc khác mà dẫn đến hành động ấy?

Có thể do cô đó vừa mới cãi nhau với chồng, khó khăn về tiền nong, áp lực với cuộc sống, hay đơn giản là do phụ huynh của em đó làm điều gì đó không vừa lòng cô giáo… Chất chứa trong lòng, rồi đến lúc cảm xúc bị dồn nén ấy bung ra. Thế là thấy học trò nói chuyện trong lớp, ngứa mắt, bắt phải uống nước vắt từ giẻ lau. Còn nếu không gặp phải những vấn đề đó thì chỉ có người tâm thần, không ổn định mới làm thế.

Nghĩa là hành vi ấy chỉ diễn ra trong tình huống ấy, chứ không phải đó là bản chất của cô giáo?

Đúng thế. Sau này cô giáo có thể dùng các lý do khác nhau để biện minh, song chắc chắn một điều là hành vi diễn ra trong trạng thái tâm lý không bình thường. Một người bình thường phải biết cách kiềm chế, không thể để cảm xúc lấn át hết những thứ khác. Nếu lúc nào cũng hành xử bằng cảm xúc của cá nhân thì xã hội sẽ náo loạn mất. Huống hồ là một giáo viên. Dường như trong nhà trường, giáo viên không được dạy cách kìm nén cảm xúc trước học trò.

Các tình huống trong lớp học có rất nhiều, hành xử sao cho có hiệu quả giáo dục, theo ông?

Học trò mắc lỗi ở đâu thì phạt ở đấy. Trò không chép bài thì phạt phải chép bài, viết chữ xấu thì phải viết lại, nói chuyện thì tách học trò ra…Tình huống nào cũng có thể xử lý được nếu giáo viên nắm được các kỹ năng đơn giản và làm chủ được cảm xúc.

Đừng nghĩ giải được bài toán khó là giáo viên giỏi

Có người bảo rằng, để xảy ra những vụ việc tương tự là do chất lượng đào tạo giáo viên thấp, ông nghĩ sao?

Điều đó một phần đúng. Đó là chất lượng giáo viên từ trong trường sư phạm. Người ta mải đâm đầu vào các phương pháp giải bài toán cao siêu nhất, thuộc làu nhiều bài văn, bài thơ nhất, mà quên mất việc đào tạo cho giáo viên kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề trong nhà trường. Ngoài ra, bản thân giáo viên cũng quên mất việc tự đào tạo kỹ năng cho mình.

Ông có thể định nghĩa thế nào là giáo viên giỏi?

Giáo viên giỏi không phải là người giải được mọi bài toán, thuộc làu làu mọi áng văn thơ. Giáo viên giỏi là người ngoài kiến thức chuyên môn để truyền đạt còn có kỹ năng sống phong phú, nghệ thuật ứng xử phù hợp. Nghề nào cũng cần có kỹ năng, nhưng nghề sư phạm lại càng cần thiết hơn. Lớp học có hàng ngàn tình huống phải xử lý. Nếu không khéo léo, không làm chủ được cảm xúc, không cư xử có kiềm chế… thì rất dễ phạm sai lầm.

Nếu trong nhà trường không dạy thì mỗi giáo viên phải tự học bằng cách nào?

Nếu giáo viên có ý thức học hỏi, tự trau dồi kiến thức thì những tài liệu để học không thiếu ở mọi kênh. Kỹ năng sống ấy phải được tôi rèn hàng ngày, trong từng tình huống cụ thể chứ không phải là kỹ năng mang tính sách vở. Kiến thức là cần thiết để truyền đạt đến học sinh, nhưng kỹ năng cũng quan trọng không kém để giúp giáo viên đứng vững trên bục giảng, được học sinh tôn trọng và không sa vào những tình huống bị lên án như trường hợp giáo viên bắt học sinh uống nước từ giẻ lau bảng.

Hãy làm chủ cảm xúc

Theo ông, vì sao bây giờ những vụ việc tương tự lại nhiều thế, sao trước đây thì không có?

Thực ra trước đây cũng có, nhưng không có mạng xã hội nên sự việc chỉ dừng lại ở chỗ một hai người biết. Còn bây giờ, một sự việc nhỏ cũng có độ lan truyền chóng mặt, nên chúng ta mới biết tới nhiều hơn. Thực ra trong đội ngũ giáo viên hay bất cứ ngành nghề nào cũng luôn tồn tại một số người như vậy, dù trước đây hay bây giờ. Có điều chúng ta có biết đến hay không mà thôi.

Ông có lời khuyên nào cho các giáo viên để không mắc phải những sai lầm như trường hợp trên?

Hãy biết làm chủ cảm xúc của mình. Một chút nóng giận sẽ mất hết cả sự nghiệp. Nếu đã chọn làm nghề giáo, phải kiên nhẫn, phải hiểu nghề, hiểu học trò để hành xử phù hợp. Và cũng đừng cầu toàn quá. Học trò có đứa ngoan, đứa hư, đứa giỏi, đứa dốt. Không thể mong tất cả đều ngoan ngoãn được. Và cũng chưa chắc đứa ngoan nhất, giỏi nhất, sau này đã là người thành đạt nhất. Hãy chấp nhận sự khác nhau của mỗi học trò.

Nhưng giáo viên nào cũng mong trò sẽ giỏi hơn, ngoan hơn?

Đồng ý là như thế, nhưng liệu có cần cầu toàn quá hay không? Nhiều cô giáo, thấy lớp mất trật tự quá, cô không nói được, liền đóng cửa lại, đi ra ngoài để ổn định tâm lý. Đó cũng là một cách, thay vì quát mắng, chửi rủa, dùng hình phạt với học trò. Đặc biệt là những giờ tự học, giờ các môn thực hành, môn phụ… dễ có tình trạng này.

Thế thì phải chăng là giáo viên đã bất lực trong giáo dục?

Không hẳn, mà đó là cách hành xử nên làm. Ví dụ bạn đi họp, bạn ngồi nói chuyện mà không nghe người ta thuyết trình, thế là bạn bị tát bốp vào mặt thì bạn có chịu nổi không? Lúc ấy sẽ như thế nào? Cách tốt nhất là tôn trọng học trò và dùng những biện pháp sư phạm nhẹ nhàng để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Bà Trần Thị Ngọc Bảo, hiệu trưởng Trường tiểu học An Đồng UBND huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết: Khoảng 18h ngày 3/4, nhà trường nhận được phản ánh của ông Phạm Khắc Thảo (phụ huynh của em P.A – học sinh lớp 3A5) về việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương cho học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Sau khi tiếp nhận thông tin, ban giám hiệu nhà trường đã xác minh sự việc là có thật. Ngay lập tức nhà trường đã yêu cầu cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên có hình phạt chưa phù hợp với học sinh – đến xin lỗi em P.A và gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường đã đưa cháu P.A đi khám sức khoẻ. Phòng Giáo dục huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết sẽ kỷ luật trước toàn trường, chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Sáng 5/4, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản gửi Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm hành vi vi phạm nghiêm trọng này.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top