TS Phạm Văn Nho, Phòng Vật lý ứng dụng, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, than hoạt tính chỉ có tác dụng khi dùng nó để hấp thụ một số hóa chất chứ không trộn chung vào hóa chất. Ngày xưa người ta trang bị cho lính ra trận những chiếc mũ, mặt nạ chứa than hoạt tính để khi khí độc đi qua sẽ bị giữ lại, giúp người dùng không bị nhiễm độc hóa chất.
Ngày nay một số trường hợp ngộ độc thực phẩm, người ta cho uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc đào thải ra ngoài. Than hoạt tính có tác dụng lọc chất độc, nhưng chỉ khi sử dụng đúng cách chứ không được sử dụng bừa bãi.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, dùng than hoạt tính dù ở dạng nào phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể. Thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu. Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay.
Than hoạt tính không độc nhưng lưu ý tác dụng phụ của các thành phần của thuốc khác khi sử dụng dạng biệt dược, vì vậy cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, hoặc tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc. Nếu uống quá nhiều than hoạt tính có thể gây táo bón, làm buồn nôn, nôn mửa.
Không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài vì khi uống, trong đường tiêu hóa than hoạt tính không chỉ liên kết các chất độc mà còn làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể (các men, vitamin, axit amin...). Không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh. Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.