Thạc sĩ khoa học, Health Coach Trần Lan Hương: Dinh dưỡng thông minh - Cân bằng cuộc sống

(khoahocdoisong.vn) - Sống xanh, dinh dưỡng đúng, vận động đúng giúp con người sống khỏe, cân bằng cuộc sống. Với mong muốn người Việt Nam có lối sống khỏe toàn diện và hạnh phúc hơn, Thạc sĩ khoa học về huấn luyện sức khỏe Trần Lan Hương đã có cuộc trò chuyện với KH&ĐS xung quanh vấn đề này.

Thành công trong thảnh thơi

Một năm mới nhiều kế hoạch đã khởi đầu. Chị có mong ước gì khi bước vào năm Tân Sửu?

Kế hoạch thì nhiều, nhưng tất cả là để thực hiện một ước nguyện. Ước nguyện lan tỏa: Lan tỏa kiến thức, lan tỏa lối sống khỏe, thiền, yoga... Tôi mong muốn được gặp gỡ kết nối với nhiều người để có thể chung sức tạo nên những dòng suối dẫn giọt nước kiến thức nhỏ bé của mình ra con sông lớn, tưới tắm cho những mảnh ruộng trên khắp đất nước Việt Nam. Mong ước của tôi là giúp người Việt có lối sống khỏe mạnh toàn diện và hạnh phúc hơn, từ đó lan tỏa và chuyển hóa thế giới.

Từng là chuyên viên kinh tế của Tổng Lãnh sự quán Mỹ, Giám đốc quỹ đầu tư, tư vấn viên ngân hàng độc lập... Ở đỉnh cao của sự nghiệp, chị đã từ bỏ tất cả để trở thành chuyên gia sức khỏe. Vì sao vậy?

8 năm trước, một ngày tôi thấy cuộc sống của mình dường như không cân bằng, càng lên cao bản thân càng thấy chông chênh, mệt mỏi, nhiều stress... Tôi quyết định dừng lại đi tìm một con đường mới. Rồi cơ duyên đưa đẩy, tôi trở thành Health Coach (huấn luyện viên sức khỏe) chuyên nghiệp, được Hiệp hội Thực hành không dùng thuốc Mỹ (AADP) chứng nhận. Tôi nghĩ nếu Việt Nam có hàng ngàn Health Coach (HC) thì các bệnh viện sẽ không còn bị quá tải, các y bác sĩ sẽ có thời gian cho bản thân và gia đình nhiều hơn, cả người dân, xã hội và môi trường đều được hưởng lợi. 8 năm qua, tôi đã đưa kỹ năng dinh dưỡng thông minh, cân bằng cuộc sống, và thiền đến với hơn 30.000 người Việt. Những làn sóng sống khỏe đang tiếp tục lan xa...

Nghe có vẻ không đơn thuần chỉ là dinh dưỡng sức khỏe ?

Theo định nghĩa về sức khỏe toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "Khỏe là một trạng thái lành mạnh hoàn toàn cả về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không đơn giản chỉ là một cơ thể không yếu ớt, bệnh tật". Do vậy, trong chiến lược chăm sóc sức khỏe của mỗi người cần bao gồm 4 yếu tố: Dinh dưỡng đúng, vận động vừa sức, kiểm soát căng thẳng và hạn chế độc tố từ bên ngoài. Đây là 4 nền móng mà mỗi người chúng ta cần phải xây dựng để duy trì nền tảng sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.

Huấn luyện viên sức khỏe là một nghề khá mới mẻ?

Ở Việt Nam, gần 50% trẻ tiểu học thành phố bị thừa cân béo phì, gần 50% người lớn bị tăng huyết áp, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 đang tăng nhanh báo động. Áp lực khám chữa các bệnh mãn tính không lây này đang đè nặng lên hệ thống y tế và toàn xã hội. Trong khi đó, hơn 90% các ca bệnh béo phì và đái tháo đường týp 2, 80% các bệnh tim mạch và hơn 1/3 các loại ung thư là có thể phòng ngừa được với chi phí rất thấp nếu điều chỉnh dinh dưỡng và lối sống từ sớm. Nhu cầu của xã hội đòi hỏi một loại hình nghề nghiệp mới. HC hỗ trợ chăm sóc sức khỏe chủ động, phòng ngừa và hạn chế các biến chứng của bệnh mạn tính.

Người ta hay nói câu “bệnh từ miệng vào” nhưng có vẻ nguồn gốc gây bệnh không chỉ có vậy?

Các HC coi dinh dưỡng không chỉ là thực phẩm mà tất cả những gì nuôi dưỡng con người, bao gồm cả vận động thể chất, công việc, các mối quan hệ và đời sống tâm thức, những mặt mà HC chúng tôi gọi là “Thức ăn tinh thần”, thứ thực ra mới là “dinh dưỡng” quan trọng nhất đối với cuộc đời con người.  Sự thiếu hụt hay căng thẳng kéo dài ở bất kỳ đâu trong bốn “thức ăn tinh thần” này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Các HC có sứ mệnh truyền lửa, hướng dẫn và đồng hành, giúp mỗi cá nhân sáng tạo ra con đường đạt tới sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần phù hợp với bản thân mình, hướng tới một cơ thể khỏe mạnh, hạnh phúc và sống hài hòa với thiên nhiên.

Vậy có nghĩa thức ăn tinh thần là một yếu tố quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe?

Đúng vậy. thức ăn tinh thần là bất cứ điều gì nuôi dưỡng tinh thần con người. Và có 4 loại quan trọng nhất được các HC nhấn mạnh là: Các mối quan hệ, sự nghiệp, vận động và phát triển tâm thức. hướng dẫn người dân tạo lập cân bằng trong các lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết, khi mà khuynh hướng sức khỏe tinh thần ở Việt Nam trong tình trạng kêu cứu.

Bản thân chị đã phòng ngừa và hạn chế được các chứng bệnh mạn tính nào?

Qua quá trình tập yoga, thiền và áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh tôi đã giúp cơ thể mình tự chữa lành chứng dị ứng thức ăn, cường tuyến giáp trạng, mụn trứng cá... kéo dài nhiều năm và các “bệnh văn phòng” phổ biến ở độ tuổi ngoài 40 như thừa cân, tê bì chân, đau mỏi vai gáy cổ… Qua quá trình tổ chức đào tạo, tư vấn cho các học viên bị các bệnh mãn tính như thừa cân, tiểu đường, mỡ máu cao, huyết áp cao, gút… tôi tin tưởng chắc chắn rằng, một lối sống lành mạnh bao gồm luyện tập thể chất, ăn chủ yếu các thực phẩm từ thực vật tự nhiên nguyên vẹn, tư duy tích cực và thực hành thiền để giảm stress là giải pháp tự nhiên loại trừ tận gốc các bệnh mãn tính và phòng ngừa hiệu quả nhất. Tôi gọi nó là “Chiến lược 3Đ: Ăn đúng – Tập đủ - Thiền đều”.

Chúng ta chưa được dạy ăn đúng

Có người nói chuyện ăn uống có gì mà phải học...

Chúng ta đi học đủ thứ nhưng có một thứ mỗi ngày chúng ta làm 3 lần đó là “Ăn” thì lại không được học bài bản cho nên mắc rất nhiều sai lầm trong ăn uống. Đặc biệt là thời đại quảng cáo tràn lan khiến chúng ta thêm mắc sai lầm. Giới trẻ ngày nay ăn để thỏa mãn vị giác, ít để ý đến dinh dưỡng.

Chế độ ăn truyền thống của người Việt vốn rất khoa học bởi vì ông bà chúng ta ăn nhiều rau, cá và ăn gạo xát dối vốn là ngũ cốc nguyên cám. Tuy nhiên, hiện nay chế độ ăn đã thay đổi nhiều, đặc biệt dân cư ở thành phố, theo xu hướng càng ngày càng hại sức khoẻ hơn. Mâm cơm của người Việt hiện đại đang ăn có quá nhiều thịt, sữa và tinh bột tinh luyện như cơm gạo trắng, bánh mì trắng, chưa kể tới đồ ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo rất có hại cho sức khoẻ. Người thành phố không ăn đủ rau và ăn rất ít nhóm hạt - nhóm hạt vốn cung cấp rất nhiều kẽm và chất béo tốt. Thói quen này khiến cho trẻ em thiếu kẽm không thể phát triển tối ưu sức khoẻ. 

Chị thường nói “Ăn đúng, Tập đủ”. Vậy như nào là tập đủ?

Đó là những hoạt động thể chất thường xuyên và vừa sức mình, thoả mãn 3 điều kiện: làm cho tim mình đập nhanh hơn, người mình nóng lên và hít thở được nhiều oxy hơn. Vì vậy, không nên tập quá sức, không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian ở phòng gym. Trong ngày chỉ cần nhiều hoạt động nhỏ thỏa mãn 3 điều kiện trên như 5 phút đi bộ nhanh, 10 phút chơi đùa với con trẻ hay làm vườn, làm việc nhà… cộng lại thành 30 phút, hoặc 1 tiếng, đã là rất tốt cho sức khoẻ rồi.

Một khóa học Thiền do Thạc sĩ khoa học, Health Coach Trần Lan Hương và CLB Thiền Ozen tổ chức tại Đà Lạt.

Một khóa học Thiền do Thạc sĩ khoa học, Health Coach Trần Lan Hương và CLB Thiền Ozen tổ chức tại Đà Lạt.

Trong các khóa học của chị, thiền là một kỹ năng quan trọng?

Ngày nay, thiền được xem là hữu hiệu để cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng làm việc. Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos thiền mỗi ngày. Nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey không chỉ thiền mà còn truyền bá thiền khắp nơi. Những công ty hàng đầu thế giới hiện nay như Google, Samsung... đều tạo điều kiện hoặc bắt buộc các lãnh đạo cấp cao của mình thiền để đưa ra quyết định tốt hơn, tăng khả năng sáng tạo và kết nối với mọi người. Các lợi ích đáng kinh ngạc của thiền phải kể đến: Tăng khả năng tập trung chú ý, tăng chỉ số thông minh IQ và chỉ số cảm xúc EQ, giảm căng thẳng và lo âu, tăng cường hệ miễn dịch, trẻ hóa cơ thể, sống lạc quan, yêu thương và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 này thiền lại càng cần thiết cho mỗi chúng ta. 

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Một buổi thực hành về dinh dưỡng trong khóa học Dinh dưỡng thông minh - Cân bằng cuộc sống.

Một buổi thực hành về dinh dưỡng trong khóa học Dinh dưỡng thông minh - Cân bằng cuộc sống.

Theo KH&ĐS
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top