Tay giả Psyonic, công nghệ đột phá trong sản xuất chân tay giả sinh học

Tay giả Psyonic-Bàn tay Năng lực được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Psyonic do kỹ sư Aadeel Akhtar sáng lập. Đây là bàn tay giả sinh học nhanh nhạy, linh hoạt nhất trên thị trường và cũng là bàn tay giả duy nhất có phản hồi cảm ứng.

Năm 2015, Akhtar thành lập Psyonic, công ty thiết kế và chế tạo chân tay giả tiên tiến với giá phù hợp tại Champaign, bang Illinois.

Bàn tay giả sử dụng cảm biến áp suất để mô phỏng xúc giác trên cơ sở các rung động. Bàn tay giả hoạt động gần giống như một bàn tay thông thường. Tất cả năm ngón tay trên tay giả nhẹ có thể uốn cong và mở rộng, thực hiện 32 thế tay khác nhau.

Bàn tay Năng lực Psyonic sử dụng các rung động thông báo người dùng khi chạm vào vật thể, cho biết đã nắm và buông khi nào. Ảnh PSYONIC

Theo Akhtar, điều quan trọng nhất là cung cấp cho những người tàn tật các chi giả mạnh mẽ, hoạt động linh hoạt. Bàn tay Năng lực ở Mỹ cung cấp cho bệnh nhân từ 13 tuổi trở lên.

Năm 2014, Akhtar đến Quito, Ecuador thử nghiệm sản phẩm với Juan Suquillo, bị mất tay trái trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Ecuador và Peru. Sử dụng nguyên mẫu bàn tay giả, Suquillo có thể kẹp ngón cái và ngón trỏ lần đầu tiên sau 35 năm và tuyên bố, dường như bàn tay thật đã quay trở lại.

Sau thành công thử nghiệm, Akhtar thành lập Psyonic và tham gia cuộc thi Cozad New Venture Challenge tại Đại học Illinois. Psyonic giành giải nhất và nhận giải thưởng 10.000 USD cùng giải thưởng đổi mới của Samsung Research 15.000 USD năm 2015. Đồng thời Psyonic nhận được tài trợ từ Trung tâm Doanh nhân Công nghệ Đại học Illinois , iVenture Accelerator và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ. 

Bàn tay giả của Psyonic nặng 500g, tương đương với trọng lượng của một bàn tay người lớn, hầu hết các tay giả khác nặng hơn khoảng 20%. Bàn tay Năng lực được lắp sáu động cơ trong một lớp vỏ bằng sợi carbon, có các ngón tay silicone, một bộ pin và những cảm biến cơ lắp đặt trên phần chi còn lại của bệnh nhân. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị mất tay dưới khuỷu tay, hai cảm biến cơ sẽ được đặt trên cơ cẳng tay còn nguyên vẹn. Bệnh nhân sẽ có thể sử dụng những cảm biến đó để điều khiển chuyển động và phương thức cầm nắm của bàn tay.

Bàn tay Năng lực kết nối với Bluetooth với một ứng dụng điện thoại thông minh, cho phép người dùng định cấu hình và điều khiển chuyển động của bàn tay. Phần mềm Bàn tay Năng lực được cập nhật tự động thông qua ứng dụng. Công ty cho biết, pin nguồn sạc lại trong một giờ.

Akhtar làm việc với Bàn tay Năng lực. Ảnh PSYONIC

Để mang lại cho bệnh nhân xúc giác, Bàn tay Năng lực được lắp đặt các cảm biến áp lực trên ngón trỏ, ngón út và ngón cái. Khi người bệnh chạm vào vật dụng, sẽ có cảm giác rung động trên da, tương tự như cảm giác chạm vào. Tay giả sử dụng những rung động này để cảnh báo cho người dùng khi chạm vào vật thể, cho biết khi nào nắm chặt vật thể và khi buông ra.

Psyonic sử dụng cao su và silicone cho các ngón tay, mềm dẻo và có thể chịu được lực va chạm. Ngoài ra, Bàn tay Năng lực có khả năng chống nước.

Dan St. Pierre , vô địch quốc gia paragames 2018–2019 sử dụng thử nghiệm tay giả Psyonic.

Psyonic và các đối tác đang nghiên cứu phát triển Bàn tay giả. Một số đối tác như phòng thí nghiệm Ryan AbilityLab ở Chicago và Đại học Pittsburgh đang phát triển cấy ghép não và tủy sống, giúp bệnh nhân điều khiển các chi giả. Khi bệnh nhân chạm các ngón tay của bộ phận giả, bộ phận cấy ghép sẽ gửi một tín hiệu đến não khiến bệnh nhân cảm nhận áp lực.

Theo SciTechDaily
back to top