Tăng trưởng xuất nhập khẩu 2011 - 2020 vượt mục tiêu

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương vừa công bố kết quả hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ đầu năm 2016 đến quý III/2020. Theo đó, Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Trong nước, từ năm 2016 đến nay ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hội nhập quốc tế sâu rộng có tác động tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đến hết năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội lần thứ XII đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các quốc gia trong khu vực đều giảm so với những năm trước thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhập khẩu, trong cùng giai đoạn, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 ở mức 11,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

Nhìn chung, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2015 con số này chỉ đạt 78,9%. Bên cạnh đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ngoài ra, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cũng trong năm 2019, giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 2.740USD/người, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2.000USD theo chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.

Bên cạnh kim ngạch tăng cao, nền kinh tế có xuất siêu, trong vài năm qua, dấu ấn của khối doanh nghiệp trong nước về xuất khẩu ngày càng rõ nét. Cụ thể, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Theo Đời sống
back to top