Tăng cường thể chất trị liệu đại tiện ra máu

(khoahocdoisong.vn) - Đại tiện ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, gây mất máu. Ngoài việc duy trì trị liệu chính cần bồi bổ cho đúng cách để tăng cường thể chất, trị liệu phối hợp.

Đại tiện ra máu thường là triệu chứng của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa. Đó có thể là biểu hiện của chứng táo bón bình thường và tự khỏi, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như trĩ, xuất huyết tiêu hóa, viêm dạ dày – ruột, rò ống tiêu hóa, vết nứt của hậu môn – trực tràng, viêm túi thừa, viêm đại trực tràng, nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, polyp, ung thư...

Đại tiện ra máu có thể là biểu hiện thông thường và không cần phải điều trị. Nhưng nếu đại tiện ra máu với lượng máu nhiều, kéo dài hoặc gây đau đớn thì cần đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu: Đi ngoài ra máu kéo dài hơn 2 tuần; Trẻ nhỏ đi ngoài ra phân đẫm máu; Người mệt mỏi; Sức khỏe suy giảm; Sụt cân không rõ nguyên nhân; Đau bụng, sưng bụng; Sốt cao; Buồn nôn hoặc nôn; Sờ thấy cục khối nổi lên trong bụng; Hình dạng và kết cấu phân thay đổi bất thường kéo dài hơn 3 tuần; Đi cầu hoặc đi tiểu không kiểm soát.

Đại tiện ra máu có thể phát hiện được bằng mắt thường khi tình trạng đã diễn biến nặng. Trên thực tế, đi ngoài ra phân có lẫn máu có thể đã diễn ra từ lâu nhưng với lượng ít khiến bạn không để ý, thậm chí là rất khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, những người có nguy cơ mắc nên thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.

Người đại tiện ra máu thường có triệu chứng bị mất máu, trong tình trạng đã chẩn đoán chính xác bệnh tình cơ bản đã ổn định, thì ngoài việc duy trì các trị liệu chính, nên bổi bổ cho đúng cách để tăng cường thể chất, trị liệu phối hợp.

Cháo sơn dược, tam thất, nhãn, gừng: Sơn dược sống 100g, nhãn cùi 20g, gừng nướng 6g, tam thất bột 10g. Trước tiên cho nhãn, gừng nướng vào đun 30 phút, bỏ bã gừng, cho bột sơn dược, bột tam thất vào đun lửa nhỏ nấu thành cháo, cho đường đỏ vào. Mỗi ngày ăn nóng 2 – 3 lần.

Hoa mào gà trắng nấu trứng gà: Hoa mào gà trắng 30g, trứng gà 2 quả. Hoa mào gà cho vào 500ml nước, sắc đến khi còn 300ml, bỏ bã, đập trứng gà và nấu thành trứng hoa, cho đường trắng vào ăn.

Cháo gạo tẻ, đại táo, mộc nhĩ: Mộc nhĩ đen 30g, gạo tẻ 100g, đại táo 5 quả. Mộc nhĩ đen trước tiên cho bào nước ấm ngâm khoảng 1 tiếng, rồi cho gạo, đại táo, mộc nhĩ, đường phèn vào nấu cùng thành cháo. Ăn vào sáng, tối.

Bã đậu phụ xào: Bã đậu phụ, đường. Đun nóng dầu ăn, đổ bã đậu phụ vào xào đến khi vàng giòn, hong khô tán bột, mỗi lần uống 15g với đường đỏ, mỗi ngày uống 2 lần.

Nước mã thầy: Nửa cốc to nước mã thầy, rượu ngon nửa chén, uống lúc đói, mỗi ngày 1 lần.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Hệ lụy của việc tự tiêm thuốc ở nhà

Hệ lụy của việc tự tiêm thuốc ở nhà

Tuyệt đối không tự tiêm thuốc dù là thuốc bổ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, khi tiêm vào tĩnh mạch phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện bởi khi tiêm vào tĩnh mạch dễ gây phản ứng dẫn tới tử vong.
back to top