Tăng cường nhân lực y tế cho TPHCM và các tỉnh phía Nam

Bệnh viện Bạch Mai, trong ngày 7/12, sẽ cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang; Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu; Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.

Riêng TP Cần Thơ, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị.

TP Cần Thơ hiện đang ở cấp độ 3, số ca mắc thời gian gần đây đang gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca.

cuu-song-1-san-phu-mac-covid.jpg
Một ca Covid-19 được cứu sống tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh tư liệu

Tại An Giang, số ca mắc Covid-19 đến nay của tỉnh là 24.753 trường hợp, trong đó số đang điều trị là 5.284 ca. Tuy nhiên lũy kế số tử vong là 468 bệnh nhân (chiếm 1,89%), 75% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm văcxin ngừa Covid-19.

Báo cáo của Tây Ninh cho biết, đến ngày 6/12, tỉnh này ghi nhận 49.639 ca mắc Covid-19, đang điều trị 14.838 ca, trong số ở tầng 3 có 173 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tại Sóc Trăng, đến ngày 6/12 ghi nhận 21.835 ca mắc Covid-19; cộng dồn 127 tử vong, trong số đó có 76% người chưa tiêm vắcxin phòng Covid-19.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 3.766 ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn. 3.813 trường hợp F0 đang được quản lý, theo dõi và cách ly tại nhà.

xet-nghiem-tai-can-tho.jpg
Nhiều địa phương vẫn còn ca mắc và tử vong do Covid-19 cao. Ảnh tư liệu: Xét nghiệm PCR xác định ca dương tính Covid-19. 

Các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vắcxin để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…

Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan...

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4 để kiểm soát được số mắc mới.

nhan-luc-y-te.jpg
Nhân lực y tế sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các tỉnh phía Nam trong phòng chống dịch Covid-19. 

Đối với các nhóm người có nguy cơ cao nhưng chưa tiêm văcxin ngừa Covid-19, ngành y tế địa phương cần “tổ chức các điểm tiêm lưu động, đến tiêm tại nhà cho các trường hợp nguy cơ cao để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị diễn biến nặng nêu mắc Covid-19.”

Những ca tử vong trong những ngày qua, theo ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, chủ yếu là người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm văcxin hoặc tiêm chưa đủ liều.

Hiện TPHCM đang điều trị hơn 13.600 bệnh nhân, trong đó 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 BN nặng đang thở máy, 14 BN can thiệp ECMO.

BSCKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vừa ký tờ trình gửi UBND TPHCM về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm văcxin ngừa Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại từ ngày 10/12.

tiem-cho-nguoi-cao-tuoi.jpg
TPHCM dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắcxin ngừa Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại từ ngày 10/12, ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh nền và lực lượng tuyến đầu chống dịch. 

TPHCM dự kiến tiêm văcxin liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch gồm bệnh nhân cấy ghép tạng, ung thư, HIV/AIDS, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...

Các trường hợp này phải tiêm mũi văcxin cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. 

Dự kiến, từ nay đến tháng 6/2022, TPHCM cần hơn 6,3 triệu liều để tiêm văcxin mũi 3 cho người dân.

Theo Đời sống
back to top