Tấn công ransomware tại Việt Nam ngày càng tăng

Theo NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong các tháng đầu năm nay, hệ thống giám sát và cảnh báo sớm của NCSC đã ghi nhận 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Tấn công ransomware tại Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh minh họa

Tấn công ransomware tại Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh minh họa

Trong báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu nửa cuối năm 2023 được Fortinet công bố mới đây, hãng cung cấp giải pháp an toàn thông tin mạng này đã nhấn mạnh đến xu hướng gia tăng của phần mềm mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) có chủ đích và mã độc xóa dữ liệu (wiper) nhắm tới các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ vận hành.

Cụ thể, khảo sát của Fortinet chỉ ra rằng, trong nửa cuối năm ngoái, 44% tổng số mẫu mã độc ransomware và wiper nhắm vào các ngành công nghiệp.

Trên toàn bộ các cảm biến của Fortinet, số lần phát hiện mã độc ransomware đã giảm 70% so với nửa đầu năm 2023. Sự chậm lại này chủ yếu do kẻ tấn công đã chuyển từ chiến lược truyền thống là phát tán không có mục tiêu sang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể hơn, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng, y tế, sản xuất, ô tô, vận tải và logistics.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong các tháng đầu năm nay, hệ thống giám sát và cảnh báo sớm của NCSC đã ghi nhận 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Trong các cuộc tấn công ransomware gần đây, Cục An toàn thông tin đã tiến hành phân tích để tìm nguyên nhân và xác định các nhóm tấn công. Qua phân tích, có nhiều nhóm tấn công khác nhau nhắm vào hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam như LockBit, Blackcat, Mallox…

Tiếp đó, vào giữa tháng 4, NCSC còn thực hiện báo cáo phân tích về ransomware LockBit 3.0 để giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu rõ hơn về phiên bản mới nhất mã độc LockBit, cũng như mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công được thực hiện bởi nhóm tội phạm mạng "khét tiếng" LockBit.

LockBit đã được phát triển đến phiên bản LockBit 3.0. Đây một loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) phổ biến trên thế giới và được phát tán rộng rãi ở Việt Nam.

Ghi nhận từ hệ thống giám sát và phân tích nguy cơ an ninh mạng của Viettel Cyber Security cho thấy, khoảng 300GB dữ liệu của các đơn vị tại Việt Nam đã bị mã hóa trong năm ngoái. Về số lượng cuộc tấn công ransomware, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có 60 cuộc, trong khi cả năm 2023 con số này chỉ là 10 cuộc. Ngoài ra, LockBit đang là dòng ransomware được phát tán nhiều tại Việt Nam và hiện mã độc này đã phát triển lên phiên bản 3.0.

Để phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware, trong đó có ransomware LockBit 3.0, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai các biện pháp, trong đó có các việc: Xây dựng kế hoạch sao lưu, phục hồi dữ liệu đối với hệ thống thông tin quan trọng; Rà quét, cập nhật bản vá lỗ hổng an toàn thông tin trên các thiết bị, phần mềm, ứng dụng; Triển khai các biện pháp xác thực mạnh cho các tài khoản truy cập hệ thống; Chủ động tìm kiếm dấu hiệu tấn công, rà quét mã độc, yêu cầu đơn vị chuyên trách xử lý mã độc.

Cùng với đó, cần giám sát liên tục để phát hiện sớm các hành vi xâm nhập; Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố để kịp thời phản ứng với tấn công ransomware; Áp dụng các nguyên tắc đặc quyền tối thiểu cho các hệ thống; Hạn chế việc sử dụng dịch vụ điều khiển máy tính từ xa; Thực hiện phân vùng mạng chặt chẽ.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc sao lưu dữ liệu, chuyên gia Viettel Cyber Security cũng lưu ý về một số vấn đề có thể xảy ra khiến cho kế hoạch dự phòng không như mong đợi của tổ chức. Ví dụ như, đặt bản dữ liệu dự phòng ngay trên máy chủ có sự cố, khi đó kế hoạch giảm thiểu rủi ro của đơn vị sẽ thất bại. Do đó, khi sao lưu dữ liệu, các đơn vị cần quan tâm đến phân loại dữ liệu, quy trình và cách thức sao lưu.

Song song đó, các chuyên gia an toàn thông tin cũng khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược giảm thiểu rủi ro lâu dài, đó là nên triển khai hệ thống giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng - SOC để có thể giám sát một cách toàn trình, đảm bảo phát hiện sớm và phản ứng nhanh trước các sự cố.

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp cũng nên có hoặc sử dụng dịch vụ Threat Intelligence của các đơn vị chuyên nghiệp giúp phân tích, cảnh báo sớm các mối nguy cơ; Đồng thời, thường xuyên đánh giá an toàn thông tin của các hệ thống thuộc phạm vi quản lý.

Theo Đời sống
back to top