Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, cấu tạo của tấm pin mặt trời, ngoài khung nhôm và hộp đấu nối, tấm pin mặt trời thường có 5 lớp. Trong số 5 lớp này chỉ có lớp tế bào quang điện (solar cell), dày khoảng 0,2mm, là có thể chứa những chất có thể gây ô nhiễm môi trường. Những lớp khác là những vật liệu thông thường sử dụng hàng ngày, không chứa chất độc hại.
Trong một tấm pin năng lượng mặt trời, tấm kính cường lực thường nặng nhất, khoảng 65%; sau đó tới khung khoảng 20%, tế bào quang điện khoảng 6 - 8%, cuối cùng là các thành phần còn lại. Hiện nay, trên thế giới sử dụng 2 nhóm tế bào quang điện: Loại tế bào quang điện silic và tế bào quang điện loại màng mỏng. Tế bào quang điện silic hầu như không chứa chất độc hại. Tế bào quang điện loại màng mỏng thường sử dụng một số kim loại nặng và độc như cadmi, seleni, telu, indi…
Vậy công nghệ nào tái chế pin mặt trời khi hết thời hạn sử dụng? Đối với nhóm silic, phần lớn là kính (76%), sau đó đến nhựa (khoảng 10%), nhôm (8%), nhôm (5%) và khoảng 1% là các kim loại khác. Đối với loại màng mỏng thành phần chủ yếu là kính (89%), sau đó đến nhựa (4%), nhôm (6%) và các kim loại khác khoảng 1%. Để tái chế, loại silic được tháo ra, 95% phần kính và 100% kim loại được tái sử dụng. Phần còn lại được xử lý nhiệt và qua một quá trình xử lý, khoảng 80% module và 85% silicon được tái sử dụng. Đối với loại màng mỏng, tấm pin được cắt ra. Sau một loạt quá trình xử lý, khoảng 95% chất bán dẫn và 90% kính được tái sử dụng.
Cho đến nay Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì về chất thải pin mặt trời. Để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời.