Cửa khẩu vắng bóng thương nhân. |
“Hoang mang” vì thiếu nguồn cung
Ngày 10/2, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM đã có văn bản "hỏa tốc" gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị cần có giải pháp cấp bách đảm bảo lưu thông cho riêng hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao tại TPHCM với gần 2.000 nhà máy đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà phần lớn đến từ Trung Quốc và hiện chưa có nguồn khác thay thế.
Theo một đại diện của Hiệp hội doanh nhân trẻ Hà Nội, cửa khẩu với Trung Quốc tiếp tục đóng, nên đường vận chuyển hàng hóa là nguyên phụ liệu cho sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam như nguyên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng… cũng bị ách tắc. Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng đã cắt đứt do các hãng hủy chuyến theo chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam. Do đó, nguồn cung nguyên liệu trong nước đang dần cạn kiệt, khiến các doanh nghiệp sản xuất vô cùng lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TPHCM đã ký văn bản kiến nghị, trong đó cho rằng việc tạm dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1/2/2020 là cần thiết đối với vận chuyển hành khách là cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp này, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các đơn hàng đã lên kế hoạch trong quý 1 sẽ bị đình trệ, số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và 3/2020…
Trong lĩnh vực đời sống, chị Thu Giang, kinh doanh quần áo thời trang tại phố Bạch Mai, Hà Nội cho biết, phần rất lớn vải may mặc, quần áo Trung Quốc về Việt Nam là lấy từ tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch corona. Nếu việc giao thương tiếp tục trì trệ thêm 1-2 tháng, các shop thời trang tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng. Những shop lớn, đầu nậu bán buôn, các chủ cửa hàng nhỏ lẻ không nắm được thông tin nên chưa chuẩn bị hàng hóa trước hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề và vất vả tìm nguồn hàng mới để buôn bán.
Cũng theo chị Giang, do dịch bệnh, khách hàng thường đặt hàng trên mạng, ít ra cửa hàng nên bán qua mạng là chính. Dù tiền thuê cửa hàng vẫn phải trả, nhân viên đã đi làm trở lại, nhưng nhiều shop vẫn phải đóng cửa nghỉ, vì thời gian này vắng khách và chưa có hàng hóa mới để bán sau Tết.
Phương án nhập hàng nội địa để bán được tính đến, nhưng mẫu mã không đa dạng, phong phú, giá cả lại cao nên nhiều chủ cửa hàng ngần ngại không muốn chuyển đổi. Nhiều shop đã tìm đến các nguồn từ các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc và châu Âu để bán thay thế, cầm cự đến khi giao thương bình thường trở lại. Nhưng nguồn hàng từ các nước này giá quá cao, lượng khách mua không nhiều.
Khan hàng, đội giá
Anh Vũ Xuân Trường, chuyên nhập hàng Trung Quốc tại Hải Phòng cho biết, những ngày gần đây, nhất cử nhất động tình hình biên giới đều được giới “đánh hàng” theo dõi. “Tắc biên”, “đóng cửa khẩu” là những từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua. Có số lượng lớn các mặt hàng tiêu dùng bán tại Việt Nam và cả thế giới có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc. Do vậy, khi biên giới đóng cửa, tình hình kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam lập tức chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Giới thương nhân Việt hiện án binh bất động, không ai dám tới các cửa khẩu. Những cửa khẩu lớn như Tân Thanh, Hữu Nghị, Bằng Tường (Lạng Sơn), Lào Cai, Móng Cái đều không có giao dịch. Giới bán hàng online đang hoang mang vì không có hàng mới hút khách đầu năm. Khách đặt hàng đều phải từ chối, chưa biết khi nào có.
Theo anh Trường, hàng hóa tích trữ trước Tết có thể cầm cự được hết tháng 2, và một số mặt hàng hiện đã khan hiếm cục bộ. Một số mặt hàng có thể thay thế tạm bằng nguồn cung trong nước hoặc đổi hướng sang các nước khác. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thị trường mới cần một thời gian đàm phán lâu, vì vậy sẽ có tăng giá khá mạnh ở một số mặt hàng.
Không chỉ những người bán hàng online tự do chịu ảnh hưởng. Các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee. Sendo... cũng chịu ảnh hưởng. Nhiều người tiêu dùng than phiền việc đặt hàng có xuất xứ từ các shop Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử hiện phải chờ mà chưa biết khi nào có hàng. Nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm từ các shop Trung Quốc đã phải hủy đơn vì đặt hàng sát Tết, tới giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Thậm chí, hàng đặt online Việt Nam cũng bị tự hủy đơn hàng vì biên giới với Trung Quốc chưa được thông quan.
Trong khi đó, dịch corona đã khiến các mặt hàng liên quan đến bảo vệ sức khỏe tăng đột biến. Và không chỉ các mặt hàng về thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay... mà các sản phẩm như máy hút ẩm, máy sấy quần áo, tủ sấy diệt khuẩn... cũng khan hàng, đội giá.
Chị Hoàng Thu Thảo, quản lý một trang bán hàng online cho biết, thời tiết mưa phùn kéo dài, lại có dịch, nên mặt hàng tủ sấy quần áo giá rẻ từ Trung Quốc bán hàng trăm chiếc mỗi ngày. Các đại lý không dám bán buôn vì “tắc biên” chưa biết lúc nào có thể nhập hàng trở lại. Do thế, loại hàng này giá tăng vùn vụt, từ 600 lên 900 nghìn đồng, mà cũng không có để bán. Các cửa hàng đại lý bán lẻ gọi hàng mà cũng không có để bán. Có khách ra tận đại lý mua trực tiếp, khi hỏi vẫn còn hàng, nhưng chỉ ít phút sau cũng không mua được vì cửa hàng đã chốt đơn với khách online.
Theo đại diện Tiki, tình trạng cháy hàng về các mặt hàng liên quan đến bảo vệ sức khỏe và "đội giá" gấp nhiều lần đã gây nhiều bất tiện cho người tiêu dùng. Đơn vị này phải cố gắng bình ổn giá bán sản phẩm bằng cách kết hợp, liên kết và ký cam kết với các thương hiệu, các nhà sản xuất, cung ứng. Một số mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay thì có thể bình ổn được. Nhưng với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, nền tảng này đã phải cài đặt hiển thị dưới dạng hết hàng, hoặc hàng sắp về, để khách hàng chủ động trong quyết định mua, tìm kiếm