Do trời lạnh nên người đàn ông này đã dùng than củi để sưởi ấm trong phòng ngủ và bị ngộ độc than.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than.
Bệnh nhân 42 tuổi, quê ở Hải Phòng, được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu tổn thương thần kinh.
Không nên sưởi ấm bằng than trong phòng đóng kín.
Trước đó, khoảng 22h, ngày 19/12, do trời lạnh nên người đàn ông này đã dùng than củi để sưởi ấm trong phòng ngủ. Khoảng 10h sáng hôm sau, khi mở cửa vào phòng, người nhà phát hiện ông đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Do quá nặng, ông được chuyển đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây bệnh nhân được các bác sĩ cho thở máy và điều trị theo phương pháp giải độc ngộ độc khí.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện tại bệnh nhân vẫn rất nặng và cần phải được tiếp tục điều trị. “Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng mọi biện pháp để bệnh nhân bị tổn thương não ít nhất”, bác sĩ Nguyên cho hay.
Bệnh nhân hôn mê do ngộ độc khí CO. Về điều này, bác sĩ Nguyên cho biết phần lớn các bệnh nhân ngộ độc khí CO tử vong tại chỗ hoặc đến viện muộn trong tình trạng tổn thương não rất nhiều. Nếu thoát chết, người bệnh cũng để lại di chứng nặng nề như tổn thương não, mất trí, rối loạn tri giác…
Chuyên gia cảnh báo nhà của người dân đa số là nhà ống, kính, diện tích chật hẹp, phòng kín không thoáng khí. Vì thế, người dân khi cho than vào phòng sưởi ấm sẽ gây nên hiện tượng ngạt khí, ngộ độc khí CO.
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu; tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, CO là một loại khí độc nhưng không màu, không mùi, không vị. Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Đây là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.
Đi vào trong cơ thể người, khí CO kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này ngăn chặn quá trình giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Với nồng độ nhẹ, khoảng 0,0035% CO trong không khí, người hít phải có biểu hiện đau đầu, chóng mặt trong vòng 6-8 giờ tiếp xúc liên tục.
Ở mức 0,01%, biểu hiện này đến nhanh hơn trong 2-3 giờ tiếp xúc. Ở mức cao hơn, 0,08%, chúng ta có thể bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, co giật trong vòng 45 phút tiếp xúc, gây vô cảm sau 2 giờ.
Khi nồng độ CO là 0,32%, khí này có thể gây tử vong trong 30 phút. Với mức 1,28%, nạn nhân sẽ bất tỉnh trong 2-3 hơi thở, tử vong trong vòng 3 phút.
Mai Nguyễn (tổng hợp)