Súng phun khói diệt chuột độc đáo của kỹ sư Bùi Văn Tùng

Với những nguyên liệu sẵn có như mùn cưa, rơm rạ, cỏ khô… được nén chặt, anh Bùi Văn Tùng (33 tuổi, Hải Phòng) làm thành súng, nhả “đạn” khói đậm đặc để diệt chuột.

Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, bố mẹ là nông dân, kỹ sư Bùi Văn Tùng cùng nhóm đồng nghiệp chế tạo ra súng phun khói diệt chuột, như một sự tri ân với quê hương, ruộng đồng.

Muốn làm điều gì đó cho quê hương

Chia sẻ về lý do làm súng hun khói bắt chuột, Bùi Văn Tùng cho biết, sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, ngày bé, anh cùng các bạn đi bắt chuột bằng nhiều cách như dùng nước, rơm hun, đào hang…

Anh Bùi Văn Tùng và sản phẩm súng phun khói diệt chuột

Anh Bùi Văn Tùng và sản phẩm súng phun khói diệt chuột

Sau bao năm quay về quê hương, anh thấy nhiều người dân bỏ ruộng, chuột sinh sôi, phát triển rất nhanh. Những người còn giữ lại ruộng trồng lúa, hoa màu, chuột kéo đến phá phách. Để diệt chuột, người nông dân sử dụng nhiều phương pháp. Trong đó, có cách dùng bả, có thể gây độc hại, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, vật nuôi. Một số bà con còn dùng cả điện lưới để đánh chuột, rất nguy hiểm.

Thấy vậy, anh Tùng muốn làm một việc gì đó giúp bà con nông dân. Một lần tình cờ, anh xem clip về dùng động cơ xăng của máy nổ, cho ống khói vào hang để chuột chạy ra. Tuy nhiên, làm cách này thủ công, lại liên quan xăng, dầu. Trong nhà có máy khò, anh nảy ra ý nghĩ sử dụng nguyên liệu từ đồng quê. Cùng nhóm đồng nghiệp bắt đầu làm từ tháng 2, vừa làm vừa cải tiến, đến tháng 7, họ ra được sản phẩm súng phun khói.

“Ngay từ lần thử đầu tiên đã có hiệu quả, tạo khói và diệt được nhiều chuột. Tuy nhiên, chúng tôi phải mất thêm vài tháng sau đó để hoàn thiện, có sản phẩm tốt nhất”, anh Tùng nói.

Với cách dùng bả hay bẫy chuột sẽ bị động, phụ thuộc việc chuột có thể ăn hoặc dính bẫy hay không. Dùng súng hun khói, người dân có thể chủ động đi dọc các bờ bao, thấy hang chuột thì phun khói. Sau 3 phút bịt tất cả cửa hang lại, chuột sẽ chết ngạt.

Ưu điểm của phương pháp này là không gây hại như dùng bả, cũng không phải mất công đào bới, hoặc mở bẫy. Khoảng 2-3 tuần hay một tháng, người dân rà lại một lần, toàn bộ khu vực đó sẽ vãn hoặc không còn chuột nữa.

“Tôi đã thử đào hang chuột sau khi phun khói, thấy chuột nằm chết la liệt trong các ngóc ngách. Chỉ cần bơm khói khoảng 3 phút, chuột ngạt khói, không còn con nào sống sót”, anh Tùng cho hay.

Nguyên liệu từ đồng quê, đơn giản, dễ sử dụng

Anh Bùi Văn Tùng cho hay, sản phẩm súng phun khói diệt chuột có thiết kế nhỏ gọn, nặng khoảng 7 kg khi chưa có nguyên vật liệu (nếu có thêm nguyên liệu thì tăng thêm khoảng nửa kg). Súng bao gồm khoang đốt và phần thổi khói, được bọc lớp lưới inox cách nhiệt. Thiết kế này giúp người dùng không bị bỏng khi chạm vào. Ngoài ra, súng còn có dây đeo rất tiện lợi.

Sung phun khói diệt chuột

Sung phun khói diệt chuột

Việc sử dụng cũng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần nén chặt trấu, mùn cưa, rơm rạ, cỏ khô… vào lõi phụ inox; sau đó cho lõi phụ bằng inox vào khoang đốt, rồi châm lửa. Khi gặp hang chuột thì bấm cò súng, “đạn” sẽ là luồng khói đậm đặc, được đẩy đi với áp lực cao, phun thẳng vào các ngóc ngách của hang chuột.

Đặc biệt, người dùng có thể điều chỉnh mức độ khói phun ra nhiều hay ít bằng cò súng. Theo đó, bấm mạnh, khói ra nhiều và ngược lại. Như vậy, muốn bắt chuột còn sống, người dùng có thể bấm nhẹ cò súng để chuột chạy ra; muốn diệt chuột luôn trong hang thì bấm mạnh.

Một ưu điểm nữa là chỉ với một lần “mồi” lửa, người nông dân có thể đi cả buổi trong vòng 3-4 tiếng. Khi nào cần khói, họ thì lại bấm cò; nếu không bấm thì nguyên liệu vẫn chảy, giống như ủ trấu, không cần phải thay.

“Sản phẩm tương tự được bán trên thị trường của các hãng đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, dùng xăng, dầu để tạo khói, giá từ 13-37 triệu. Người sử dụng còn phải tập huấn, mua nguyên liệu với giá thành cao. Trong khi đó, sản phẩm súng phun khói dùng nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền, sử dụng cũng rất dễ dàng”, anh Tùng thông tin.

Muốn nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững

Anh Bùi Văn Tùng cho hay, anh học Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Xuất thân từ gia đình nông thôn, anh trăn trở về một nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cơ giới hóa.

Tóm gọn chuột từ súng phun khói

Tóm gọn chuột từ súng phun khói

Với những kiến thức đã học, anh cố gắng thực hiện mong ước này. Sản phẩm súng phun khói diệt chuột tận dụng những nguyên liệu “bỏ đi” từ đồng ruộng, diệt chuột an toàn, hiệu quả, không gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, nguy hiểm… như dùng bả, hóa chất, điện.

Ngoài ra, nó còn đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân khi nguyên liệu, giá thành máy rẻ gấp nhiều lần so với các sản phẩm tương tự đang được bán trên thị trường (chưa tới 2 triệu đồng/máy).

“Thực ra, khi làm sản phẩm, tôi không tính tới chuyện lời lãi mà muốn giúp đỡ, tri ân bà con nông dân, trong đó có bố mẹ mình. Trưởng thành từ quê, tôi rất muốn làm ra được sản phẩm phù hợp, phục vụ cho đồng ruộng, quê hương”, kỹ sư Tùng tâm sự.

Anh nhớ mãi lần đầu mang thiết bị ra cánh đồng ở tỉnh Hải Dương thử. Sau khi được chứng kiến hiệu quả của thiết bị, ngay tối hôm đó, bà con, đại diện Hội Nông dân đã đến nhà anh đặt vấn đề mua sản phẩm. Một số khách hàng cũng phản hồi rất tích cực, trong đó có anh Ngọc Anh, cán bộ nông nghiệp ở Tiền Hải, Thái Bình. Những điều đó là nguồn động viên rất lớn đối với kỹ sư Bùi Văn Tùng và các đồng nghiệp.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Tùng cho hay, vẫn ấp ủ những ý tưởng về làm ra các thiết bị phù hợp mô hình nông nghiệp nhỏ lẻ ở Việt Nam.

“Tôi luôn mong muốn làm ra thiết bị gặt lúa, hay làm cỏ bằng tay để phù hợp các hộ nông dân có diện tích canh tác nhỏ lẻ, không tập trung với chi phí thực sự phù hợp. Mục đích là mỗi hộ gia đình đều có thể đầu tư, góp phần cơ giới hóa, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong nông nghiệp”, anh Tùng nói.

Hiện tại, sản phẩm súng phun khói được Sở Khoa học Công nghệ TP Hải Phòng hỗ trợ trong công tác bảo hộ kiểu dáng sản phẩm và đăng ký giải pháp hữu ích.

Theo Đời sống
Tu Mơ Rông xanh bình yên, đẹp mơ màng

Tu Mơ Rông xanh bình yên, đẹp mơ màng

Nằm yên bình dưới chân núi Ngọc Linh, Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum, còn giữ nguyên nét hoang sơ, trong lành. Đây là điểm đến hợp với những người yêu thiên nhiên và thích khám phá vùng văn hóa mới.
back to top