Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 126/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Hiện nay, với hệ thống văn bản pháp luật chứng khoán mới (Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành) có số lượng quy định lớn, các hoạt động chứng khoán đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện so với hoạt động theo hệ thống pháp luật cũ (Luật Chứng khoán 2006). Trong quá trình triển khai áp dụng, TTCK sẽ phát sinh những hành vi, hoạt động sai lệch so với quy định pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK nên cần phải được xử lý kịp thời nhằm điều chỉnh hành vi, tác động đến ý thức tuân thủ pháp luật trên TTCK.

Bên cạnh đó, Nghị định số 156 được xây dựng đồng thời với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 có thể chưa lường hết các tình huống và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cần quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt tương ứng. Một số hành vi của người hành nghề, tổ chức kinh doanh chứng khoán được quy định biện pháp xử lý hành chính tại pháp luật chứng khoán như rút giấy phép, chứng chỉ cũng đồng thời bị xử phạt tại Nghị định số 156 đã tạo sự trùng lắp.

Qua thời gian thực thi trong đầu năm 2021, quy định mức xử phạt tiền đối với vi phạm nghĩa vụ báo cáo khi giao dịch của người nội bộ cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc áp dụng.

Từ yêu cầu thực tiễn và cơ sở pháp lý nêu trên cho thấy sự cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 156 để hoàn thiện khả năng đảm bảo thực thi hệ thống pháp luật chứng khoán mới theo Luật Chứng khoán 2019, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, giúp TTCK vận hành công khai, minh bạch, an toàn.

Không báo cáo về thay đổi phương án sử dụng vốn sẽ bị xử phạt

Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156, cụ thể như sau:

Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử phạt tại Nghị định số 156 theo Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền trong trường hợp có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ; nguyên tắc xác định thời hạn trong đình chỉ hoạt động/tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ khi có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ.

Sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Nghị định 155) và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ như: Hành vi công bố báo cáo sử dụng vốn, sử dụng tài khoản phong tỏa, xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ, thay đổi mục đích/phương án sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, thay đổi điều khoản trái phiếu…

Bổ sung mức phạt đối với hành vi không báo cáo về thay đổi phương án sử dụng vốn tại đại hội đồng cổ đông gần nhất trong chào bán ra công chúng; bổ sung hành vi về tài khoản phong tỏa trong phát hành thêm chứng khoán; bổ sung hành vi về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.

Bổ sung hành vi vi phạm về cổ phiếu quỹ theo Khoản 4 Điều 310 Nghị định số 155: Theo đó, các cổ phiếu quỹ đã mua trước ngày 1/1/2021 sẽ tiếp tục được mua bán, sử dụng theo quy định pháp luật chứng khoán cũ theo Luật Chứng khoán 2006 nên cần bổ sung chế tài xử lý tương ứng.

Bổ sung 1 điều về việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo thuận lợi trong áp dụng Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung 1 điều hướng dẫn về áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán.

Theo baochinhphu.vn
Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Chứng khoán có đà tăng mạnh trong tháng 6

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phân hóa dòng tiền giữa các nhóm nhà đầu tư và các ngành trong tháng 5. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp ở các ngành công nghệ thông tin, thép,... tài chính ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
back to top