Phiên giao dịch cuối tuần (2/7), VN-Index đóng cửa tại 1.420,27 điểm, ghi nhận mức tăng 3,19 điểm tương ứng 0,23% lên 1.420,27 điểm. HNX-Index tăng 2,29 điểm tương ứng 0,7% lên 328,01 điểm và UPCoM-Index tăng 0,2 điểm tương ứng 0,22% lên 90,64 điểm.
Như vậy, chỉ số chính vẫn đang giữ được đà tăng tốt và giữ được mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.
Thị trường trong tuần vừa qua có nhiều biến động mạnh. Trong khi thanh khoản bị bó hẹp đáng kể so với trước thì chỉ số lại không ngừng phá đỉnh. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường, chiến thắng không dành cho tất cả.
Thị trường chứng khoán sự phân hóa nhất định với đà tăng chỉ tập trung tại một số nhóm ngành nhất định khiến rất nhiều nhà đầu tư mất tiền. Vậy tài sản của những đại gia hàng đầu thị trường biến động ra sao?
Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng giá trong tuần, cổ phiếu VIC của Vingroup quay lại mức giá của phiên đóng cửa cuối tuần trước, dẫm chân tại chỗ ở 117.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - vẫn không thay đổi so với cuối phiên 25/6, ở mức 225.173 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dù có 3 phiên giảm so với 2 phiên tăng trong tuần, tính chung vẫn tăng 3,16%, tương ứng mức tăng trên mỗi cổ phiếu là 1.600 đồng/cổ phiếu. Do vậy, tài sản ông Trần Đình Long trong tuần tăng 1.382 tỷ đồng lên 45.619 tỷ đồng.
Tuần qua, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HPG đã được niêm yết bổ sung và được phép giao dịch trên thị trường kể từ 28/6. Thế nhưng, biến động giá tại mã này không lớn. 1,1 tỷ cổ phiếu trên là lượng mà Hòa Phát phát hành thêm để trả cổ tức cổ phiếu năm 2020. Khối lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp thép này tăng từ 3,3 tỷ lên 4,47 tỷ đơn vị.
Cổ phiếu NVL của Novaland với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá trong tuần vẫn ghi nhận mức thiệt hại nhẹ 0,08% và mức giảm giá trong 1 tháng qua ở mã cổ phiếu này là 15,6%.
Dù vậy, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn vẫn đang ở mức 37.764 tỷ đồng và giàu thứ 3 thị trường chứng khoán, chỉ sau hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long. Ông Bùi Thành Nhơn cũng đang có giá trị tài sản vượt qua những tỷ phú USD khác như ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - với sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB và 249,2 triệu cổ phiếu MSN, đang có tổng giá trị tài sản là 30.522 tỷ đồng.
Cổ phiếu TCB của Techcombank tuần qua diễn biến tích cực với mức tăng 5,32% trong tuần (3 phiên tăng, 2 phiên giảm) tương ứng mức tăng 2.700 đồng/cổ phiếu. Còn MSN của Masan Group cũng có một tuần hoạt động tích cực, tăng 4 phiên, chỉ giảm nhẹ một phiên, ghi nhận tổng mức tăng giá 7,05% tương ứng mỗi cổ phiếu MSN tăng 7.500 đồng, đóng cửa tuần ở 113.900 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng tăng lên 29.463 tỷ đồng nhờ sở hữu khối lượng lớn TCB và MSN.
Trong khi đó, VJC của Vietjet Air dù có tới 3 phiên giảm trong số 5 phiên giao dịch của tuần nhưng vẫn ghi nhận mức tăng giá 4,06% tương ứng tăng 4.700 đồng/cổ phiếu.
Tài sản CEO Nguyễn Thị Phương Thảo theo đó tăng thêm 950,4 tỷ đồng lên 26.616 tỷ đồng. Tài sản của nữ đại gia này đã hồi phục mạnh mẽ trong một tháng qua, tăng 12,82% song vẫn chỉ xếp thứ 7 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Vị đại gia vừa vượt bà Nguyễn Phương Thảo để giữ vị trí thứ 6 trong danh sách người giàu chứng khoán là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt. Khối tài sản của vị doanh nhân này hiện là 28.549 tỷ đồng trong bối cảnh cổ phiếu PDR tăng giá 0,95% trong tuần qua và tăng tới 22,48% trong vòng một tháng.
Trong khi đó, cổ phiếu VCS của Vicostone và LPB của LienVietPostBank lần lượt tăng nhẹ 1,64% và 1,02% cũng khiến tài sản trên sàn của đại gia Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone và ông Nguyễn Đức Thụy - Phó Chủ tịch LienVietPostBank - tăng.
Hiện tại, ông Hồ Xuân Năng xếp thứ 10 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán với giá trị tài sản 13.803 tỷ đồng và ông Nguyễn Đức Thụy xếp ở vị trí thứ 7 với tài sản 18.452 tỷ đồng.