Sự thật thực phẩm chức năng có nguy cơ gây ung thư – Kỳ 1

(khoahocdoisong.vn) - Thực tế, chính việc dùng TPCN lại có nguy cơ dẫn đến bị ung thư. Đã có những khuyến nghị về việc này nhưng đáng tiếc là không nhiều người biết đến.

Bệnh nhân ung thư dùng thực phẩm chức năng (TPCN) để mong hỗ trợ cơ thể chống lại ung thư. Người khỏe mạnh cũng vì sợ căn bệnh này mà dùng TPCN như một cứu cánh để phòng ung thư. Nhưng thực tế, chính việc dùng TPCN có nguy cơ dẫn đến bị ung thư. Đã có những khuyến nghị về việc này  nhưng đáng tiếc là không nhiều người biết đến.

“Ma trận” quảng cáo TPCN

Không cần tới nhà thuốc, không cần bác sĩ kê đơn, chỉ cần gọi điện thoại hoặc  qua mạng xã hội, người bệnh đã được người bán tư vấn. Thậm chí, có thể mang “thuốc” đến tận nhà với hàng trăm các loại khác nhau, xuất xứ được dán nhãn cả trong và ngoài nước.

Rất nhiều những lời quảng cáo có cánh đánh thẳng vào nỗi lo sợ ung thư. Các trang như giathuoc.vn; muathuoctot.com; hangngoainhap.com.vn; suckhoebabau.vn... là nơi tiếp tay, quảng cáo chưa chính xác.

Ví dụ, sản phẩm Nano Fucomin được quảng cáo của Học viện Quân y với 20.000 người dùng với sự kết hợp của các hoạt chất chống ung thư hàng đầu như: Fucoidan chiết xuất từ tảo nâu, nano curcumin, tam thất được chứng minh bằng thực nghiệm và lâm sàng, có khả năng kích thích tế bào ung thư tự chết theo chương trình Apoptosis và ức chế sự hình thành mạch máu mới, cắt nguồn cung cấp chất dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư.

 Nano Fucomin sản xuất trong nước có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm tương tự của Nhật hay Mỹ nhưng lại có công dụng và chất lượng tương tự. Nano fucomin có thể sử dụng hiệu quả cho người bị u bướu, người đang và sau quá trình hóa trị, xạ trị, người thường xuyên làm trong môi trường độc hại, người muốn sử dụng để phòng ngừa ung thư.

Bộ sản phẩm Nano Fucoidan của Nhật quảng cáo được Bộ Y tế công nhận và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của người dùng, mang lại công hiệu tốt nhất cho người sử dụng. Để phòng ung thư ngày uống 2 viên, để điều trị ngày uống 10 – 20 viên/1 sản phẩm. 

Hay TPCN Fucoidan được ghi rõ “Thuốc Fucoidan điều trị ung thư”. Theo giới thiệu của người bán hàng, sản phẩm này được chiết xuất từ tảo nâu Mozuku ở đảo Okinawa (Nhật Bản) và có công năng “hỗ trợ tiêu diệt các loại bệnh ung thư, chống khối u lành tính và ác tính; Cô lập làm cho tế bào ung thư tự hủy, làm tiêu các khối u lành tính...”.

TPCN Doctor’s Best Fucoidan 70% thì được quảng cáo “Fucoidan tác dụng đẩy lùi ung thư, hạn chế tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, giảm đau đớn cho người bệnh. Với người bệnh ung thư, Fucoidan giúp kích thích tế bào ung thư tự diệt. Với người bình thường, Fucoidan giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng gan, điều hòa huyết áp và điều tiết sự lưu thông đường ruột, ngừa ung thư và ngăn ngừa quá trình lão hóa”. Cùng loại sản phẩm xuất xứ từ Mỹ nhưng mỗi nơi bán một giá, xê dịch từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/hộp.

Sản phẩm Vidatox nọc độc bọ cạp Cuba là TPCN nhưng cũng được quảng cáo là “Thuốc Vidatox chữa ung thư”. Riêng, loại TPCN này hiện được khá nhiều đơn vị phân phối dược phẩm nhập khẩu về Việt Nam với giá bán xê dịch từ 3,9 - 5,9 triệu đồng/lọ 30ml.

Đây chỉ là một vài trong số hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn sản TPCN được gắn thêm công dụng phòng chống ung thư. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam, ngay tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo 14 công ty, yêu cầu ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thảo dược... được tiếp thị để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.

Trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền cho biết, có lẽ chưa bao giờ, trên thị trường nước ta, TPCN lại phong phú và đa dạng như bây giờ. Về nguồn gốc có hàng ngoại và hàng nội, hàng do công ty dược nhà nước và tư nhân sản xuất. Về thành phần, có sản phẩm chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên, có sản phẩm tinh chế nhân tạo hoặc hỗn hợp cả hai loại. Về công dụng hầu như tất cả các bộ phận của nhân thể, tất cả các loại bệnh lý, tất cả các đối tượng nam, phụ, lão, ấu... đều có các chủng loại TPCN thích hợp đáp ứng cho nhu cầu dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật, bảo vệ nâng cao cao sức khỏe.

TPCN không có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư

Mọi người nhầm tưởng TPCN hỗ trợ điều trị ung thư và các bệnh khác. Nhưng trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh được việc TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, cho đến nay chưa có một tổ chức quốc tế nào đưa ra định nghĩa đầy đủ về TPCN. Đã có nhiều hội nghị quốc tế và khu vực định nghĩa về TPCN. Các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật đưa ra định nghĩa: TPCN là một loại thực phẩm ngoài 2 chức năng truyền thống là cung cấp các chất dinh dưỡng và thỏa mãn nhu cầu cảm quan, còn có chức năng thứ 3 được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học như tác dụng giảm cholesterol, giảm huyết áp, chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột...

Hiệp hội thực phẩm sức khỏe và dinh dưỡng (thuộc Bộ Y tế Nhật Bản) định nghĩa: TPCN là thực phẩm bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi. Việc bổ sung hay loại bỏ phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được Bộ Y tế cho phép xác định hiệu quả của thực phẩm đối với sức khỏe...

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, theo Luật ATTP, TPCN chỉ có 3 tác dụng là tạo cho cơ thể thỏa mãn, tăng đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Như vậy, theo định nghĩa đã được công nhận trong Luật, TPCN không có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị.

Lợi dụng nỗi sợ hãi và tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư để kiếm tiền

Nhiều chuyên gia cho rằng, một số doanh nghiệp đang lợi dụng nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư để quảng cáo TPCN và kiếm bộn tiền. Theo TS Nguyễn Huy Quang, một số doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa hỗ trợ điều trị ung thư và bán với giá trên trời, lừa đảo người tiêu dùng. Chính sự biến tướng đó làm người tiêu dùng cảm thấy TPCN quý và đắt hơn cả thuốc, làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về TPCN.

 TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Vì tin vào quảng cáo lừa dối dẫn đến người bệnh tin, hy vọng dùng TPCN là khỏi bệnh ung thư nên đã mua về dùng trong thời gian dài thấy không khỏi, ngày càng nặng hơn mới vội tới viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhân đã qua thời điểm vàng điều trị ung thư. Khi đó, phẫu thuật không được, xạ trị cũng không xong vì đã ở giai đoạn muộn. Tôi cho rằng đó là cái tội của việc quảng cáo TPCN chứ không chỉ gian dối về thương mại”, TS Phong nói.

Thực tế có rất nhiều bệnh nhân ung thư và cả nhiều bệnh nhân mạn tính khác chỉ vì tin vào TPCN bỏ không điều trị khiến bệnh tình thêm nguy hiểm, thậm chí mất mạng vì bỏ qua cơ hội “vàng”. Câu chuyện thuốc VinaCa điều trị ung thư đã là một bài học đắt ra cho những ai tin rằng TPCN có tác dụng điều trị và hỗ trợ bệnh ung thư nói riêng và các bệnh lý mạn tính khác nói chung. Vì vậy, các chuyên gia y tế điều khuyên: “Đừng tin vào truyền miệng kẻo rước bệnh vào người vì những loại “thuốc”  không rõ danh tính, nguồn gốc, độ an toàn”.

Năm 2017, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm 48 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Cục đã thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Cục đã chuyển 6 vụ có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng/kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của thành phố Hà Nội và TPHCM để xem xét dấu hiệu hình sự.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top