20/22 quận huyện có số bệnh nhân trong tuần tăng so với trung bình một tháng trước, bốn địa phương "nóng" là quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Một số bệnh nhân trong đó có trẻ em, nhập viện trong tình trạng sốc, rối loạn đông máu, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan phải thở máy, lọc máu.
Ở Bình Dương, hơn 2.200 ca sốt xuất huyết kể từ đầu năm, trong đó 5 trường hợp tử vong. Tại Đồng Nai, số ca mắc trong tháng 4 là 524, tăng hơn 150 ca so với tháng trước. Các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cũng ghi nhận số ca tăng cao, chẳng hạn TP Long Xuyên (An Giang) 4 tháng đầu năm gần 200 ca, tăng gần ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo BS. Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM, khu vực phía Nam khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, nên sốt xuất huyết xảy ra quanh năm. Khi sự cân bằng giữa tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn), khối cảm thụ (con người) bị phá vỡ, dịch sẽ xảy ra. Do vậy, khi mùa mưa đến, vật chứa nước xuất hiện nhiều hơn dẫn đến nhiều loăng quăng, nhiều muỗi, nên sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, phòng chống chủ yếu là diệt loăng quăng và diệt muỗi. Bác sĩ Quang khuyến cáo người dân đi khám nếu bị sốt nghi sốt xuất huyết như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nặng hơn thì vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều…