27 cơ sở tạo hạt nhựa trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược đã bị cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cưỡng chế. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cơ sở này lại chuyển máy móc, thiết bị vào hẳn khu dân cư hoạt động. Các cơ sở sản xuất nhựa tự phát này hoạt động bất kể ngày đêm, vô tư xả khói, nước thải ra môi trường đã gây ra tiếng ồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Tạo nhựa giữa khu dân cư
Hơn chục năm nay, gần 17.000 hộ dân của xã Tiên Dược phải sống chung với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình hoạt động của hàng loạt cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính. Các cơ sở này hoạt động từ những năm 2004 và tập trung chủ yếu ở thôn Dược Hạ.
Nghề tạo nhựa phải nung nấu ở nhiệt độ cao nên không khí xã Tiên Dược rất ngột ngạt. |
Một người dân sống tại thôn Dược Hạ cho biết, nghề tạo hạt nhựa, giặt bao bì, rửa đồ nhựa từ khi “du nhập” về làng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Trước đây, cả thôn có mấy chục hộ theo nghề này nhưng ít ô nhiễm. Còn bây giờ, nhiều hộ bỏ nghề nhưng các cơ sở còn lại thì bành trướng, hoạt động ngay trong khu dân cư. Nước bẩn từ các máy giặt rửa bao tải xả ra bốc mùi hôi thối, nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thực trạng ô nhiễm tại xã Tiên Dược đã được người dân địa phương phản ánh lên cơ quan chức năng. Sau rất nhiều lần kiểm tra xem xét, UBND xã Tiên Dược đã ra thông báo đến từng hộ dân và phối hợp với các ban, nghành vận động 10 hộ hoạt động trên đất nông nghiệp ngừng hoạt động.
Cột khói từ 1 cơ sở tạo nhựa. |
Ông Dương Văn Nhất, trưởng xóm Trại, thôn Tiên Dược cho biết: Đầu tháng 12/2016, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Tiên Dược đã tổ chức cưỡng chế thành công 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất nông nghiệp.
Nhưng, ngay sau thời gian bị cưỡng chế, một số hộ lại chuyển máy về khu vực dân cư tại thôn Dược Hạ để sản xuất nhựa tái chế. Chính điều này đã làm cho môi trường sống của người dân xung quanh bị đầu độc bởi ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn.
Người dân sống tại thôn Dược Hạ cho biết, hàng ngày họ phải hít mùi nhựa khét lẹt, sống trong bầu không khí đầy khói đen, cống rãnh bốc mùi hôi thối và tiếng ồn inh tai nhức óc do máy móc hoạt động hết công suất 24/24 giờ.
Theo ông Nhất, trước đây các cơ sở này chỉ đốt bao tải xi măng nhưng bây giờ cứ thứ gì tạo ra được nhựa là họ đốt hết, thậm chí cả bỉm của trẻ em. Đáng chú ý, các cơ sở này đều không đảm bảo quy định luật bảo vệ môi trường, không có đánh giá tác động môi trường, cũng như không có bất kỳ hệ thống xử lý chất thải, nước thải nào.
Nguồn nước xã Tiên Dược hiện đã bị nhiễm độc trầm trọng. |
Không có thẩm quyền xử lý
Điển hình tại xóm Trại có cơ sở sản xuất của gia đình ông Lê Văn Hưng rộng khoảng 400m2. Cơ sở này bị người dân xóm Trại xác định là thủ phạm gây ô nhiễm nặng nề nhất tại địa phương.
Một người đàn ông dẫn chúng tôi đi xuyên qua mấy khu vườn rậm rạp để đến con mương chung của xóm. Tại đây, nước đen kịt và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Trên mặt nước là váng bọt trắng đang đóng thành từng tảng. Người đàn ông này cho biết, vớt phần váng này lên để trên bờ trong thời gian cả tháng cũng không tiêu hủy. Ở đầu con mương, chúng tôi phát hiện một ống thải nhựa. Người dân xóm Trại khẳng định, ống thải này là thuộc cơ sở tạo nhựa của gia đình ông Lê Văn Hưng.
Người dân chỉ phần ống thải từ cơ sở của ông Lê Văn Hưng. |
Liên quan đến những bức xúc của người dân tại thôn Dược Hạ, phóng viên Báo KH&ĐS đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền xã Tiên Dược. Ông Trịnh Xuân Phúc – Phó chủ tịch xã Tiên Dược cho biết: “Trước đây toàn xã có 82 trường hợp kinh doanh tạo hạt nhựa, giặt tải, làm gioăng kính nhưng đến nay một số hộ đã bỏ nghề, một số bị cưỡng chế nên hiện nay chỉ còn 41 hộ vẫn còn hoạt động, 25/41 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Nghiêm trọng nhất vẫn là 6 hộ kinh doanh tại thôn Dược Hạ”.
Cũng theo ông Phúc, việc phản ánh của người dân liên quan đến 6 hộ kinh doanh tạo nhựa, làm gioăng kính hoạt động trong khu dân cư hiện nay là sự thật. Tuy nhiên, theo nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường không có quy định cụ thể việc cưỡng chế thi hành quyết định buộc di dời, cấm hoạt động với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên rất khó thực hiện.
Hiện nay, tại xã Tiên Dược có khoảng 30 cơ sở tạo nhựa, giặt tải và sản xuất goăng kính. |
Được biết, tại báo cáo số 25/BC-UBND gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 6 hộ tạo hạt nhựa, làm gioăng kính và chỉ đạo xã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hộ trên với các hành vi không có kế hoạch bảo vệ môi trường và yêu cầu các hộ phải có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường.
Trong khi chính quyền địa phương đang bất lực trước việc xử lý các cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế ngang nhiên xả thải gây ô nhiễm môi trường, thì người dân tại thôn Dược Hạ vẫn ngày ngày phải hứng chịu bệnh tật từ hệ lụy này.
“Môi trường ô nhiễm là có thật, bệnh tật là có thật, cơ sở tạo nhựa hoạt động trong khu dân cư cũng là có thật. Thế nhưng, với thẩm quyền của xã thì không có chế tài xử lý. Xã từng xin thành lập một khu sản xuất riêng, nhưng do địa phương là lõi vệ tinh của Hà Nội nên không được phép”, ông Trịnh Xuân Phúc, Phó chủ tịch xã Tiên Dược.