Số ca tử vong do COVID-19 tăng hơn 100%, vì sao?

So với tháng trước số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%; số ca tử vong tăng 102,6%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%...

Đó là thông tin Bộ Y tế đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, chiều 16/12.

Theo đó, đến ngày 15/12/2021, thế giới ghi nhận gần 272 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Về biến chủng Omicron, đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp biến chủng Omicron.

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến ngày 15/12/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (72,8%), 28.500 ca tử vong.

dong-nai-tu-vong.jpeg
Số ca tử vong do COVID-19 tăng hơn 100%, vì sao?

Bộ Y tế đánh giá, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Lý giải ca nhiễm cộng đồng và ca tử vong tiếp tục có xu hướng tăng, Bộ Y tế cho rằng sau khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại tăng.

Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến chủng Delta lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương.

Chưa kể, còn có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Những người tiêm văcxin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian; đồng thời những người mới tiêm văcxin cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo điều hành, giám sát phòng chống dịch được tập trung để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới; tăng cường rà soát công tác tiêm văcxin; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19. Chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; đảm bảo an toàn dịch bệnh trong khu công nghiệp và trường học…

Đáng chú ý, còn tình trạng người cao tuổi, người mắc bệnh nền chưa được tiêm văcxin dẫn đến đa số các trường hợp tử vong nằm trong nhóm này.

Theo báo cáo của TPHCM, An Giang… tỉ lệ tử vong do chưa tiêm văcxin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 85%; hay tại TPHCM người bệnh tử vong có bệnh nền chiếm 93.33%…

Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top